Cải tiến biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt: Ưu tiên phương án nhiều bậc

(BĐT) - Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt với 5 bậc, thay vì 6 bậc như hiện hành. Tán thành đề xuất tiếp tục áp dụng biểu giá bán điện sinh hoạt theo bậc là cần thiết, song một số chuyên gia lưu ý, cần xem xét giá điện từng bậc một cách hợp lý.
Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang. Ảnh: Tiên Giang
Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang. Ảnh: Tiên Giang

Đề xuất 4 phương án cải tiến

Đề xuất cải tiến giá điện, Bộ Công Thương đưa 4 phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt gồm 1, 3, 4 và 5 bậc.

Cụ thể, phương án I (1 bậc) với giá bằng mức giá điện bình quân hiện hành cho sinh hoạt là 1.897 đồng/kWh. Đánh giá tác động của phương án này, Bộ Công Thương cho biết, tiền điện phải trả của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 201 kWh/tháng trở lên (khoảng 6,7 triệu hộ) giảm từ 8.000 - 330.000 đồng/hộ/tháng. Trong khi đó, các hộ sử dụng từ 0 - 200 kWh/tháng (khoảng 18,6 triệu hộ) phải trả tăng thêm từ 17.000 - 36.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Phương án II gồm 3 bậc, trong đó, giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 400 kWh và bậc 3 từ 401 kWh trở lên. Theo phương án này, tiền điện phải trả của các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 301 kWh/tháng trở lên (khoảng 3,1 triệu hộ) giảm từ 45.000 - 62.000 đồng/hộ/tháng. Đối với các hộ sử dụng điện từ 0 - 300 kWh/tháng (khoảng 22,3 triệu hộ), tiền điện phải trả tăng từ 4.000 - 30.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Cơ cấu biểu giá điện sinh hoạt trong phương án III gồm 4 bậc, trong đó, giá điện bậc 1 từ 0 - 100 kWh, bậc 2 từ 101 - 300 kWh, bậc 3 từ 301 - 600 kWh và bậc 4 từ 601 kWh trở lên. Theo đó, các hộ sinh hoạt có mức sử dụng điện từ 51-100, 101-300 và 301-400 kWh/tháng (khoảng 10,3 triệu hộ) thì tiền điện phải trả giảm từ 267 - 32.000 đồng/hộ/tháng. Trong khi đó, tiền điện phải trả của các hộ sử dụng từ 0-50, 101- 200 và từ 401 kWh/tháng trở lên (khoảng 15,3 triệu hộ) tăng từ 1.000 - 105.000 đồng/hộ/tháng. Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội tăng lên do giá điện của bậc 1 được điều chỉnh tăng.

Phương án IV (5 bậc) được cơ quan soạn thảo đưa ra hai kịch bản. Kịch bản 1 là giá điện sinh hoạt bao gồm 5 bậc thang, trong đó giá điện bậc 1 (cho 0-100 kWh) giữ như mức giá bậc 1 theo biểu giá hiện hành, bậc 2 từ 101 - 200 kWh, bậc 3 từ 201 - 400 kWh, bậc 4 từ 401 - 700 kWh, bậc 5 từ 701 kWh trở lên.

Kịch bản thứ hai, giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt không đổi. Gộp bậc 1 và bậc 2 với giá điện giữ nguyên theo bậc 1 nhằm đảm bảo ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội không thay đổi; phần doanh thu thiếu được bù vào bậc trên 700 kWh; giá điện của bậc 201 - 400 kWh được gộp theo giá bình quân của bậc 4 (201 - 300 kWh) và bậc 5 (từ 301 - 400 kWh) của giá điện cũ.

Với những phương án dự thảo, Bộ Công Thương đề xuất chọn phương án giá điện 5 bậc thang theo kịch bản 1. Lý do là kịch bản này sẽ có mức tăng giá điện hợp lý giữa các bậc, bảo đảm toàn bộ số hộ có mức sử dụng điện dưới 700 kWh (chiếm 98,2% tổng số hộ) có mức tiền điện không tăng hoặc giảm khi áp dụng biểu giá điện mới. 

Bảo đảm hợp lý, khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm

Theo Bộ Công Thương, các biểu giá điện nêu trên bảo đảm nguyên tắc hiệu quả sản xuất kinh doanh; thuận lợi cho hộ sử dụng điện cũng như thuận lợi cho quản lý doanh nghiệp; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; khắc phục được tình trạng hóa đơn tiền điện biến động trong những tháng đổi mùa.

Đồng ý với nguyên tắc xây dựng biểu giá bán điện sinh hoạt theo bậc như đề xuất, song, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lưu ý, Bộ Công Thương xây dựng biểu giá điện sinh hoạt cần phải bảo đảm những nguyên tắc cơ bản. Đó là phải khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả; đồng thời biểu giá điện phải thực hiện bảo đảm an sinh xã hội, chú ý tạo điều kiện cho người nghèo, người thu nhập thấp…

“Căn cứ vào các nguyên tắc này thì việc xây dựng biểu giá điện không thể đồng giá mà phải chia bậc. Trong đó, vấn đề quan trọng nhất là xem xét giá từng bậc phải hợp lý”, ông Long nhấn mạnh.

Tán thành với kịch bản giá điện như đề xuất của Bộ Công Thương, GS, TS. Trần Đình Long - Phó Chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam bày tỏ: “Biểu giá điện 5 bậc là hợp lý, bởi việc chia nhiều bậc như trước đây sẽ tạo ra sự manh mún, phức tạp trong tính toán”. Tuy nhiên, ông Trần Đình Long cho rằng, cần nghiên cứu kỹ mức tăng giữa 2 bậc liền kề để bảo đảm mục tiêu tiết kiệm trong tiêu thụ điện của doanh nghiệp.

Chuyên đề