Cải thiện môi trường kinh doanh: Chùng xuống là tụt hậu

(BĐT) - Mức độ cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang có xu hướng chững lại kể từ năm 2018. Hệ quả là năm 2019, nhiều chỉ số không có dấu hiệu cải thiện mà tiếp tục tụt bậc, giảm điểm… 
Ngay cả khi chưa thay đổi chính sách, cải thiện về thực thi đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Tường Lâm
Ngay cả khi chưa thay đổi chính sách, cải thiện về thực thi đã tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Ảnh: Tường Lâm

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đây là thách thức rất lớn. Muốn tiến lên vị trí cao trong Bảng xếp hạng Doing Business, không có cách nào khác là phải tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh mạnh mẽ, quyết liệt, thực chất.

Thiếu động lực để thay đổi?

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa phối hợp với Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4reform) tổ chức Hội thảo “Lựa chọn giải pháp nâng cao thứ hạng môi trường kinh doanh 2020 - 2021”. Thông tin tại Hội thảo cho thấy, về cơ bản, hoạt động cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam đang có xu hướng chững lại.

Theo Bảng xếp hạng Doing Business 2020 của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 1,2 điểm (từ 68,6 lên 69,8 điểm), nhưng giảm 1 bậc xếp hạng chung (từ vị trí 69 xuống vị trí 70). Đáng lưu ý, tuy có 5 chỉ số tăng điểm, nhưng chỉ có 2 chỉ số được ghi nhận cải cách về quy định và thực thi, trong khi có tới 6/10 chỉ số giảm bậc.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM nhận xét, đúng là hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh đang có dấu hiệu chững lại rất rõ. “Nếu như năm 2017, Việt Nam tăng được 10 bậc thì đến năm 2018 lại giảm 1 bậc và tiếp tục giảm thêm 1 bậc trong năm 2019”, ông Cung chỉ ra.

Theo ông Cung, dường như việc cải thiện thứ hạng của Việt Nam trong Bảng xếp hạng những năm qua phụ thuộc vào một vài chỉ số như: Tiếp cận điện năng; Tiếp cận tín dụng… Tuy nhiên, khi 2 chỉ số này, nhất là Chỉ số Tiếp cận điện năng đã đến trần, không có được cải cách trong năm nay thì mức độ xếp hạng chung tụt xuống.  Những chỉ số khác như: Khởi sự kinh doanh, Cấp phép xây dựng tiến bộ rất chậm dù được kỳ vọng nhiều. “Rõ ràng là những cải cách chúng ta đang làm chưa tác động một cách thực sự đến việc giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), giảm thời gian thông quan cho xuất nhập khẩu”, ông Cung nhấn mạnh. Bên cạnh đó, các chỉ số khác liên quan đến tư pháp như giải quyết tranh chấp hợp đồng, phá sản... thì gần như  không có những nỗ lực lớn để thay đổi, thậm chí ngay cả việc bàn luận để thay đổi cũng chưa có. 

“Với thực trạng trên, con đường tiếp tục cải cách, cải thiện thực chất môi trường kinh doanh của Việt Nam để tăng hạng trong những năm tiếp theo cực kỳ gay go”, ông Cung lo ngại.

Đứng ở góc độ DN, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Trưởng ban Pháp chế thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhìn nhận, quan sát từ các diễn đàn cho thấy, môi trường kinh doanh đã có sự cải thiện, nhưng so với kỳ vọng của cộng đồng DN, của nhà đầu tư thì vẫn còn khoảng cách tương đối lớn.

Cải cách vì người dân, doanh nghiệp

Trong bối cảnh nền kinh tế đất nước ngày càng hội nhập mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển nhanh chóng…, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu Việt Nam không quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh thì sẽ không thể nắm bắt được cơ hội phát triển, thách thức và khó khăn sẽ vô vàn.

Nhìn về dư địa cho cải thiện môi trường kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, cơ hội còn rất nhiều cả về mặt chính sách cũng như thực thi, bởi nhiều chỉ số trong Bảng xếp hạng hiện nay đang ở thứ hạng rất thấp. Về thực thi, lâu nay, việc thực thi chính sách còn hạn chế, bất cập; còn nhiều thủ tục không cần thiết nhưng chưa được bãi bỏ. “Do đó, ngay cả khi chưa thay đổi chính sách, nhưng cải thiện về thực thi sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian và chi phí cho DN”, ông Hiếu nói và nhấn mạnh, đến lúc chúng ta phải cải cách chứ không phải cải thiện, nghĩa là phải có những thay đổi rất lớn. Với những chỉ số đang ở vị trí thấp, trong năm tới, các chỉ số này phải là trọng tâm cải cách để mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân, DN.

Nêu quan điểm về vấn đề này, ông Cung cho rằng, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn là thay đổi tư duy về quản lý nhà nước, chuyển sang quản lý trên cơ sở phân tích, đánh giá rủi ro. Nghĩa là chúng ta chỉ tập trung quản lý những lĩnh vực có thể xảy ra rủi ro với xã hội, cộng đồng kinh doanh. Theo cách này, chi phí tuân thủ trong kinh doanh giảm xuống, an toàn trong kinh doanh tăng lên. “Tư duy này đã được đặt ra trong Nghị quyết số 19 và nay là Nghị quyết số 02 của Chính phủ nhiều năm nay, nhưng thay đổi trên thực tế gần như không có”, ông Cung nhấn mạnh.

Thứ hai, các bộ trưởng vào cuộc mạnh mẽ, nhất quán và hệ thống hơn trong việc cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Bên cạnh đó, cần có cơ quan độc lập trong việc giám sát, thúc đẩy cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh… Nếu đáp ứng yêu cầu này, chúng ta mới tạo được áp lực, động lực trong cải cách.

Chuyên đề