Cách tiếp cận mới trong ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư

(BĐT) - Làm rõ vấn đề liên quan đến ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) được Quốc hội thảo luận chiều 26/5, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, lần này chúng ta có cách tiếp cận mới về vấn đề này. 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) chiều ngày 26/5/2020 (ảnh: QH)
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu nêu tại phiên thảo luận trực tuyến về Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) chiều ngày 26/5/2020 (ảnh: QH)

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ sở để xây dựng các ưu đãi lần này là dựa trên 2 nghị quyết của Bộ Chính trị. Đó là Nghị quyết số 50 về thu hút đầu tư nước ngoài trong tình hình mới và Nghị quyết số 52 về chủ động ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

“Chúng ta sẽ tiếp cận theo một nguyên tắc mới, đó là bổ sung các nguyên tắc, điều kiện về ưu đãi, đảm bảo hiệu quả và chất lượng của ưu đãi chúng ta đưa ra. Một là ưu đãi có thời hạn. Hai là dựa theo kết quả thực hiện. Ba là phải đáp ứng được các điều kiện trong quá trình được hưởng ưu đãi”, Bộ trưởng cho biết và khẳng định, cách tiếp cận mới bảo đảm ưu đãi đưa ra là có hiệu quả và đạt được mong muốn thu hút đầu tư.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh một điểm mới nữa, đó là giao Chính phủ áp dụng thí điểm các hình thức đầu tư và các loại hình đầu tư mới, bổ sung các ưu đãi mới trong việc khấu trừ thu nhập chịu thuế hay là khấu hao nhanh, bổ sung các quy định để khuyến khích các dự án khởi nghiệp sáng tạo, áp dụng công nghệ 4.0, các ưu đãi và hỗ trợ đặc biệt cho những dự án lớn có tác động lan tỏa đối với nền kinh tế thì do Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định.

Trước đó, khi thảo luận, nhiều đại biểu thống nhất với đề xuất của Chính phủ tại Dự thảo Luật là cần thiết sửa đổi quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư hiện hành.

Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho rằng, việc sửa đổi các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư là cần thiết. Đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư khả thi, bảo đảm quyền nhà đầu tư được tiếp cận ưu đãi và hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, đại biểu Tiến đề nghị Dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ về trường hợp nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết thì phải có chế tài xử lý, thu hồi các khoản ưu đãi, hỗ trợ mà họ được hưởng. Quy định này nhằm bảo đảm chặt chẽ và công bằng trong chính sách đầu tư. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát các quy định về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư để khắc phục tình trạng còn có cách hiểu khác nhau.

Nhất trí cao với đề xuất bổ sung đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư đối với dự án sử dụng người khuyết tật (Điều 15 Dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, việc bổ sung đối tượng này là phù hợp với quy định của pháp luật về người khuyết tật.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác lại cho rằng, Dự thảo Luật quy định ưu đãi đầu tư theo hướng áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp được miễn, giảm có thời hạn hoặc cả đời dự án, các ưu đãi được áp dụng cho cả dự án đầu tư mới và dự án đầu tư mở rộng. Như vậy, một công ty có thể đồng thời có nhiều dự án hoặc cấu phần với các mức thuế suất thuế thu nhập được ưu đãi khác nhau. Điều này có thể khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển giá, chuyển lợi nhuận từ dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất cao sang dự án cấu phần đầu tư có mức thuế suất thấp để trốn thuế.Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo giải trình thêm về cơ sở thực tiễn và sự cần thiết phải áp dụng những ưu đãi đặc biệt này.

Chuyên đề