Cách nào giảm áp lực lạm phát?

(BĐT) - Chưa đầy nửa tháng, xăng và điện cùng tăng giá, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn chưa có kế hoạch tăng giá hàng hóa bởi còn trong “sức chịu đựng”.
Hai mặt hàng đầu vào trọng yếu của nền kinh tế là điện và xăng - dầu đều tăng ở mức khá cao
Hai mặt hàng đầu vào trọng yếu của nền kinh tế là điện và xăng - dầu đều tăng ở mức khá cao

Do đó, áp lực kiểm soát lạm phát sẽ bớt căng thẳng nếu cơ quan điều hành tính toán cẩn trọng thời điểm tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu thuộc diện phải điều chỉnh giá trong năm nay.

Doanh nghiệp đang co kéo được

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội,  xăng - dầu chiếm tỷ trọng lên đến khoảng 30 - 40% trong chi phí giá thành dịch vụ vận tải. Do đó, bước tăng giá mặt hàng này ngày 2/4 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, ông Bùi Danh Liên cũng cho biết, đến thời điểm hiện nay, chưa có doanh nghiệp nào có kế hoạch tăng giá, bởi lẽ, quyết định tăng giá phải được tính toán cẩn trọng, không chỉ dựa trên đầu vào của dịch vụ mà còn phải dựa trên sức mua của thị trường, năng lực cạnh tranh. “Ở thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp vẫn còn gắng gượng được khi chi phí xăng dầu tăng và chấp nhận giảm lợi nhuận”, ông Liên nhấn mạnh.

Trên thị trường vật liệu xây dựng, kể từ ngày 1/4 vừa qua, một số doanh nghiệp xi măng đã tăng giá bán mặt hàng này ở mức 30.000 đồng - 40.000 đồng/tấn. “Do giá đầu vào sản xuất xi măng tăng, trong đó có giá điện tăng 8,36% kể từ ngày 20/3/2019, kéo theo giá thành sản xuất 1 tấn xi măng tăng. Để đảm bảo sản xuất kinh doanh, vừa qua đồng loạt các doanh nghiệp sản xuất xi măng đã tăng giá bán sản phẩm trên thị trường”, ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam thông tin.

Từ phía doanh nghiệp sản xuất, ông Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc dự án của Tổng công ty Viglacera cho biết, giá điện, giá xăng dầu và cả giá xi măng cùng tăng trong quãng thời gian ngắn như vậy chắc chắn sẽ tác động đến giá bán sản phẩm của Viglacera. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đang cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau để có phương án giá phù hợp. “Giá bán ra đã tính tới một phần biên độ dao động theo tình thế thị trường, nếu vượt con số đó mới tăng giá”, ông Kiên nói.

Bình luận về tác động của diễn biến này trên thị trường với việc kiểm soát lạm phát, TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực lạm phát chỉ đáng ngại khi các hàng hóa khác cũng tăng giá theo điện và xăng dầu. “Đến nay, chưa có nhiều mặt hàng tăng giá cũng là tín hiệu tích cực, cho thấy không đến mức quá quan ngại về lạm phát. Có chăng, chúng ta nên lưu ý việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu nên theo bước nhỏ thay vì tăng mạnh để tránh tác động tâm lý”, ông Ánh nói. 

Cẩn trọng thời điểm tăng giá các mặt hàng thiết yếu

Ngày 3/4, Ngân hàng Phát triển châu Á đưa ra dự báo: “Lạm phát của Việt Nam sẽ tiếp tục ở mức bình quân 3,5% trong năm 2019, song sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2020. Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ công bố sẽ không tăng lãi suất chính sách trong năm 2019 sẽ giúp giảm áp lực đối với đồng Việt Nam và tình hình lạm phát, tương tự như tác động của giá dầu thế giới giảm. Tuy nhiên, việc tăng giá dịch vụ giáo dục, y tế và giá điện có thể làm tăng áp lực lạm phát, giống như việc tăng lương tối thiểu”.
Liên quan đến đợt điều hành giá xăng dầu ngày 2/4 với mức tăng từ 1.000 - 1.500 đồng/lít (kg), Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, việc điều hành giá xăng dầu vẫn tính theo chu kỳ 15 ngày/lần theo quy định, xem xét sự hỗ trợ từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu và không sử dụng ngân sách nhà nước.

Ngày 18/3, giá xăng dầu thế giới đã tăng, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá xăng nên phải dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù, đơn cử, xăng E5 được bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 được bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. “Chính phủ quyết định tăng giá điện ngày 20/3. Tiếp đó, ngày 3/4 là đến chu kỳ điều hành giá xăng dầu tiếp theo, do giá xăng dầu thế giới tiếp tục tăng nên giá xăng dầu trong nước không thể không tăng. Đây là điều không ai muốn”, ông Đỗ Thắng Hải cho biết.

Tổng cục Thống kê cho biết, từ nay đến cuối năm, giá một số nhóm hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý sẽ tăng theo lộ trình. Cụ thể, giá dịch vụ y tế mới tăng được 2/4 bước; giá dịch vụ giáo dục, sách giáo khoa, tiền lương cơ sở... sẽ tăng. Cơ quan này đã khuyến nghị các bộ, ngành về thời điểm, mức tăng của từng nhóm hàng hóa, dịch vụ, nhằm giảm tác động của giá cả.

Cùng quan điểm về việc cần tính toán hợp lý thời điểm tăng giá các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, TS. Vũ Đình Ánh nhấn mạnh: “CPI tháng 4 đã phải chịu sức ép từ giá xăng dầu và giá điện. Mức tăng CPI tháng này cũng là chỉ báo quan trọng cho công tác điều hành giá những tháng tiếp theo. Do đó, quyết định tăng giá các mặt hàng cần được cân nhắc kỹ lưỡng về thời điểm”.

Chuyên đề