Bước đi trên con đường kiến tạo phát triển

(BĐT) - Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển là phương châm hành động của Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 - 2021 Nguyễn Xuân Phúc. Và quả thực, trong một thời gian rất ngắn, nhiều hoạt động của Chính phủ đã thật sự đi theo hướng này.
Chính phủ kiến tạo phát triển là một Chính phủ biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên
Chính phủ kiến tạo phát triển là một Chính phủ biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên

Đó là những cố gắng của Chính phủ trong việc cắt giảm thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh, những cố gắng để nuôi dưỡng và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, để thúc đẩy đầu tư và áp dụng công nghệ cao cho phát triển nông nghiệp, những cố gắng để cải thiện vệ sinh, an toàn thực phẩm và cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho dân... Đây là những việc làm thật sự đang kiến tạo nên sự phát triển. Và chúng ta thật sự đang đi những bước đi đúng hướng trên con đường chuyển đổi từ mô hình Chính phủ quản lý toàn diện sang mô hình Chính phủ kiến tạo phát triển.

Trước hết, Chính phủ kiến tạo thì phải hiểu được động lực của phát triển và điều kiện để phát triển. Chính vì vậy, Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể mưu cầu hạnh phúc. Giống như trong bóng đá, người kiến tạo bàn thắng thì không trực tiếp làm bàn. Khi và chỉ khi hàng triệu người dân Việt Nam có điều kiện làm ăn dễ dàng, có năng lực làm chủ cuộc sống và sáng tạo tương lai thì sự giàu có và thịnh vượng bền lâu mới đến với đất nước ta. Và đó cũng mới chính là sự phát triển thực chất nhất. Điều quan trọng là phải xây dựng cho được những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản, quyền tự do khế ước... phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các hợp đồng phải được tôn trọng và bảo vệ; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, Chính phủ cần tìm mọi cách để cắt giảm chi phí làm ăn cho người dân; đồng thời trả lại cho xã hội những chức năng mà xã hội có thể đảm nhận tốt hơn. Xã hội hóa là một bước đi cụ thể theo hướng này. Chúng ta thúc đẩy xã hội hóa không chỉ để huy động các nguồn lực to lớn từ xã hội, mà còn để trả lại cho xã hội những chức năng, những công việc mà xã hội có thể làm tốt hơn. Ngoài ra, để xây dựng một bộ máy hành chính bé nhất có thể, chúng ta còn cần phải làm cho bộ máy này hoạt động chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.

Hai là, Chính phủ kiến tạo phát triển là một Chính phủ tuân thủ pháp quyền. Pháp luật trước hết ràng buộc Chính phủ và các cơ quan công quyền. Người dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm, nhưng quan chức nhà nước chỉ được làm những gì mà pháp luật cho phép. Từ việc xây dựng dự án, đề ra chính sách đến việc thực thi pháp luật, các quan chức đều cần bảo đảm một cách chắc chắn rằng pháp luật cho phép họ làm như vậy. Trước khi hành động, mọi cơ quan công quyền, mọi công chức thực thi công vụ đều phải chỉ ra được điều luật cho phép họ hành động. Việc các quan chức muốn làm gì cũng được, còn người dân muốn làm gì cũng phải xin phép là di sản của một Chính phủ quản lý toàn diện và hoàn toàn xa lạ đối với một Chính phủ kiến tạo phát triển.

Thách thức đặt ra đối với việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển có lẽ cũng là không nhỏ. Trước hết, đó là tư duy thích quản lý, thích “chăm lo” hơn là tạo điều kiện để người dân tự làm ăn, tự chăm lo. Tư duy này tồn tại đã hơn nửa thế kỷ, xóa bỏ trong ngày một, ngày hai là hoàn toàn không dễ.
Ba là, Chính phủ kiến tạo phát triển là một Chính phủ biết tạo ra cạnh tranh lành mạnh để tất cả mọi chủ thể trong xã hội đều phải vươn lên và để thu hút được người tài. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống kinh tế là chất lượng hơn và giá rẻ hơn. Tiêu chí để cạnh tranh trong đời sống chính trị là tài giỏi hơn và đạo đức hơn. Trong đời sống kinh tế, thúc đẩy cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước và kiểm soát gắt gao những doanh nghiệp còn chiếm giữ vị thế độc quyền là rất quan trọng. Độc quyền không chỉ dẫn đến lạm quyền, mà còn làm cho hoạt động kinh tế kém hiệu quả, và xã hội kém năng động. Một cơ chế để người tài được tuyển chọn cũng hết sức quan trọng. Một phần của cơ chế này là áp đặt chế độ trách nhiệm rất rõ ràng, để những người đứng đầu bắt buộc phải chọn cho được người tài (không chọn được người tài không thể hoàn thành được công việc). Tất nhiên, chúng ta cũng phải trao quyền tuyển chọn cho những quan chức này.

Bốn là, Chính phủ kiến tạo phát triển là một Chính phủ biết bảo đảm sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đây là điều kiện tiên quyết để chống chủ nghĩa tư bản thân hữu, chống sự thao túng của các nhóm lợi ích. Mà chỉ có như vậy, cơ hội mới mở ra cho tất cả mọi người. Những người dân biết chăm chỉ làm ăn, biết chắt chiu, phấn đấu mới có cơ hội thành đạt. Hoạt động trả lời chất vấn và giải trình trước Quốc hội là rất quan trọng ở đây. Chúng làm cho chính sách và hành động của Chính phủ và các cơ quan trực thuộc Chính phủ trở nên rõ ràng, minh bạch. Quốc hội, đặc biệt là các phiên họp toàn thể của Quốc hội, cung cấp cho các quan chức Chính phủ một diễn đàn hết sức quan trọng và hiệu quả để giải trình không chỉ với các vị đại biểu, mà còn với đông đảo nhân dân. Biết sử dụng diễn đàn này để giải trình, để làm cho các quyết định và chính sách của mình trở nên minh bạch là một kỹ năng quan trọng đối với tất cả các quan chức Chính phủ. Ngoài ra, giải trình trực tiếp với nhân dân cũng rất quan trọng. Chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” của Chính phủ tiền nhiệm, các chương trình giao lưu trực tuyến qua các cổng thông tin điện tử là những công cụ rất hữu ích ở đây.

Thách thức đặt ra đối với việc xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển có lẽ cũng là không nhỏ. Trước hết, đó là tư duy thích quản lý, thích “chăm lo” hơn là tạo điều kiện để người dân tự làm ăn, tự chăm lo. Tư duy này tồn tại đã hơn nửa thế kỷ, xóa bỏ trong ngày một, ngày hai là hoàn toàn không dễ. Hai là, sự hiểu biết và những năng lực cần thiết của một Chính phủ kiến tạo phát triển cần phải có thời gian mới phát triển và tích tụ được. Ba là, Chính phủ chỉ là một bộ phận của cả một hệ thống chính trị to lớn và phức tạp. Phải có kỹ năng thúc đẩy cả hệ thống này cùng hành động thì thành công mới có thể được bảo đảm.

Chuyên đề