Bữa cơm thời chiến với cụ Hồ

(BĐT) - Chúng tôi đến thăm nhà Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Đức Sử. Cụ năm nay đã bước sang tuổi 88, sức khỏe không còn tốt nữa. Người nhà cho biết, hơn 2 tháng nay cụ đều nằm viện, không nói được nhiều, nhưng khi biết tin có nhà báo đến chơi cụ vui lắm, luôn tay ra hiệu mời. 
Bữa cơm thời chiến với cụ Hồ

Chúng tôi hỏi cụ có nhớ cái lần đầu năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và ăn cơm cùng gia đình không? Cụ gật đầu, khóe mắt rưng rưng. Do cụ không nói được nhiều, một phần tư liệu trong bài viết này được chúng tôi sử dụng lại từ hồ sơ đề nghị phong Anh hùng Lực lượng vũ trang của cụ năm 2013.

Anh hùng Lực lượng vũ trang Phan Đức Sử sinh năm 1929, tại Hà Nội, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Cụ thân sinh tên là Phan Xuân Trang, một người nhiệt tâm ủng hộ chính quyền non trẻ Việt Nam lúc bấy giờ. Cụ Phan Xuân Trang lúc đó đang là chủ của hiệu ảnh Quốc tế trên đường Hàng Khay. Gia đình có thể xếp vào hàng tư sản yêu nước lúc bấy giờ.

Anh hùng Phan Đức Sử kể: Tôi giác ngộ cách mạng sớm, đó cũng là truyền thống quý báu của gia đình vậy. Được sự dìu dắt của nhiều chiến sĩ cách mạng đi trước và đặc biệt là của đồng chí Lâm Kính, Đàm Quang Trung (sau này đều là tướng lĩnh trong Quân đội nhân dân Việt Nam) trước Cách mạng tháng Tám, tôi đã tham gia trong tổ chức thanh niên tuyên truyền. Nhiệm vụ của chúng tôi lúc đó là phát động nhân dân biểu tình, tổ chức rải truyền đơn, kêu gọi ủng hộ Việt Minh. Ngay sau khi giành được chính quyền, tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh trực tiếp chỉ định làm Trung đội trưởng Trung đội cận vệ. Trung đội có nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch cùng các lãnh đạo cao cấp khác của Đảng và Nhà nước; bảo vệ các hội nghị, phái đoàn của Chính phủ lâm thời khi tiếp xúc với đại diện của Chính phủ Pháp. Riêng tôi còn có thêm nhiệm vụ làm thư ký riêng cho đồng chí Đàm Quang Trung lúc đó là Chỉ huy trưởng đội vệ binh bảo vệ Trung ương Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Bữa cơm cũng giản dị như thường ngày, có bổ sung thêm bánh chưng, dưa hành như một bữa cơm truyền thống ngày Tết.
Mắt cụ Sử chợt ánh lên những nét tươi trẻ, tưởng như ông đang sống lại thời khắc này của 70 năm về trước: “Sáng ngày 23 tháng Chạp, Tết ông Công ông Táo, anh Lâm Kính báo với tôi rằng Bác mời ngày mai, những gia đình nhân sĩ, trí thức, người có công với cách mạng ở gần đây vào ăn Tết cùng Bác. Anh Kính dặn: “Cậu nhớ về báo với cụ thân sinh nhé, Bác nhắc đấy”! Mặc dù từ ngày giành chính quyền đến giờ, tôi có dịp công tác, ở gần với Chủ tịch, đôi lúc cũng được nói chuyện với Người nhưng khi nghe rằng cụ nhắc mời bố tôi, trong lòng tôi thấy vô cùng cảm động, sung sướng. Tôi lâng lâng niềm vui, từ Phủ Chủ tịch đi một mạch về nhà trên đường Hàng Khay.

Tối đó, cả gia đình vui mừng khôn xiết. Bố tôi tâm trạng bồn chồn, đi đi lại lại, năm lần bảy lượt mới chọn được chiếc áo, mai đi ăn Tết. Cụ chọn bộ áo the năm thân, đội khăn xếp cho đúng với truyền thống của dân tộc. Anh trai tôi là Phan Xuân Thúy lúc này đã vững vàng nghề ảnh lắm rồi, cũng chuẩn bị kỹ càng chiếc máy ảnh để mai còn chụp Bác. Dùng cơm tối xong, tôi trở lại đơn vị, lúc đó cũng ở ngay trong Phủ Chủ tịch. Tôi không hình dung ra bữa cơm với Bác sẽ diễn ra thế nào. Tết năm 1946, đất nước còn bộn bề gian khó, mới chỉ 10 tháng trước, khắp Hà Nội còn xơ xác đói. Chính phủ động viên nhân dân trồng đủ các loại cây ngắn ngày, cho tới vụ chiêm vào tháng 10 âm lịch nạn đói mới tạm dứt. Ngày mai Bác sẽ ăn gì? Câu hỏi đó cứ luẩn quẩn mãi trong tôi. 

Sáng hôm sau, chúng tôi được giao nhiệm vụ cảnh vệ, tiếp và hướng dẫn khách. Cỗ được bày trên chiếu, trải giữa đường đi ra vườn hoa. Đây là điều bất ngờ ngay với cả lực lượng bảo vệ chúng tôi. Bác mặc bộ ka-ki cũ, tươi cười giản dị đứng đón khách trước bậc thềm Phủ Chủ tịch. Bác cầm tay bố tôi mời về nơi “chiêu đãi”, bố tôi có vẻ ngượng nghịu, đến khi Bác ngồi xuống chiếu rồi, cụ mới cùng với mọi người ngồi xuống. Bố tôi được Bác mời ngồi bên cạnh, anh Thúy cũng được ngồi một bên, nhưng sau anh chạy qua chạy lại chụp ảnh nên chỗ đấy được nhường cho người khác.

Cụ Phan Đức Sử và con trai

Bữa cơm cũng giản dị như thường ngày, có bổ sung thêm bánh chưng, dưa hành như một bữa cơm truyền thống ngày Tết không có gì đáng nói, điều tôi nhớ mãi đó là mấy rá cơm. Cơm dỡ ra rá như những nhà bình dân thời đó. Mọi người lúc đầu còn nhìn nhau e ngại, bởi có nhiều vị khách ăn mặc rất trịnh trọng, lại có những người mặc theo lối truyền thống như bố tôi, ngồi ăn dưới đất khá bất tiện, nhưng rồi thấy Bác rất chân tình nên cuối cùng cũng lấy lại được sự tự nhiên, cùng ăn uống, cười nói vui vẻ. Bữa cơm Tết kết thúc, Bác mời khách ra trước Phủ Chủ tịch chụp ảnh. Anh Thúy của tôi lúc này được dịp trổ tài. Tôi thấy anh chụp lia lịa mọi góc, rất nhiều ảnh. Tiếc rằng phần lớn đã bị mất do chiến tranh. Bữa cơm giữa thời chiến, chào xuân mới chỉ đơn giản như thế. Bố tôi sau này nhắc mãi cái đức giản dị của Bác Hồ, còn dặn tôi dù “sông cạn đá mòn” vẫn phải giữ lấy lòng thủy chung theo Bác. 

Sau đó, đến ngày toàn quốc kháng chiến, tôi ở lại bảo vệ thành Hà Nội, tôi đã được chỉ định làm trợ lý tác chiến cho đồng chí Vương Thừa Vũ, lúc đó là Chỉ huy trưởng mặt trận Hà Nội. Sau 2 tháng chốt giữ tại thành Hà Nội, ngày 17/1/1947, quân dân Thủ đô đã hoàn thành nhiệm vụ kìm chân quân Pháp tạo điều kiện cho các địa phương khởi nghĩa thắng lợi, các lực lượng chủ lực của ta đã chủ động rút lui bảo toàn lực lượng. Vào thời gian này, tôi cũng theo Trung đoàn Thủ đô rút về an toàn khu làm công tác chuẩn bị hậu phương, xây dựng lực lượng.

Cụ Phan Đức Sử sau này đã học và trở thành sĩ quan công binh, nhiều lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp và đích thân trao tặng cờ, huy chương. Trong chiến dịch Hòa Bình, cụ được nhận Cờ thi đua “Vượt sông Đà”; năm 1950 lại nhận Huy hiệu Chiến sĩ thi đua toàn Đại đoàn Công - Pháo; năm 1954 nhận Cờ “Người trấn giữ Pha Đin”.  Năm 2014, cụ Phan Đức Sử được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân ghi nhận xứng đáng rất nhiều đóng góp của cụ với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhưng phần thưởng lớn nhất trong đời cụ, có lẽ chính là bữa cơm trong tết Độc lập đầu tiên của nước nhà.

Chuyên đề