Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Kinh tế hợp tác, hợp tác xã là một thành phần kinh tế quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội (*)

(BĐT) - Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019 diễn ra tại Hà Nội ngày 14/10/2019 với  quy mô khoảng 400 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, hiệp hội, chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã, các tổ chức quốc tế và cộng đồng hợp tác xã... tham dự. Báo Đấu thầu trân trọng giới thiệu bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại Diễn đàn. 

Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (KTHT, HTX) với tư cách là một thành phần kinh tế, có vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, xã hội của nước ta. Thực tiễn đã chứng minh, trong mỗi giai đoạn của cách mạng, khu vực KTHT, HTX luôn luôn có những đóng góp quan trọng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, các tổ đổi công, tổ vần công… rồi đến HTX đã có những đóng  góp trong việc hỗ trợ người dân, nhất  là nông dân sau khi có ruộng đất biết hỗ trợ nhau sản xuất, vừa phục vụ bản thân vừa tham gia kiến quốc. Nhất là trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, các HTX nông nghiệp là hậu phương lớn cho chiến trường miền Nam, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc tại Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã năm 2019. Ảnh: Lê TIên

Bước sang thời kỳ đổi mới, KTHT, HTX mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đang nỗ lực tự đổi mới, vươn lên và có xu hướng phát triển chủ đạo theo đúng bản chất HTX; bước đầu thể hiện ngày càng rõ hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội. Đặc biệt từ khi Luật Hợp tác xã 2012 được ban hành, đã thể hiện tư duy mới về mô hình HTX kiểu mới với hạt nhân là “hợp tác”, góp phần hoàn thiện quan hệ sản xuất, phù hợp với cơ chế thị trường và trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và cạnh tranh thị trường ngày càng gay gắt.

Trong thời gian qua, mặc dù tình hình kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng có nhiều bất ổn, ngân sách hạn hẹp, nhưng khu vực hợp tác xã vẫn hoạt động khá ổn định. Số lượng hợp tác xã tăng dần theo từng năm, phát triển khá đồng đều trên khắp các vùng miền, chất lượng hoạt động được nâng lên. Tính đến 31/12/2018, toàn quốc có 22.861 hợp tác xã (trong đó có 13.856 hợp tác xã nông nghiệp, 9.005 hợp tác xã phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia. Số lao động làm việc trong hợp tác xã khoảng 1,2 triệu người.

Đóng góp của khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã thể hiện qua hai kênh: đóng góp trực tiếp của khu vực HTX, liên hiệp HTX, tổ hợp tác vào tăng trưởng kinh tế và đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên, HTX thành viên, thành viên tổ hợp tác- là xu hướng mới phát triển nổi bật của các HTX trong thời gian qua.

HTX đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế hộ, cá thể thành viên thông qua các dịch vụ hoặc việc làm cho thành viên, nhất là thành viên HTX nông nghiệp như: Giảm chi phí đầu vào, tăng sản lượng đầu ra; tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ gia đình, thành viên; góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội tại địa phương. Trong thời gian qua, đã xuất hiện một số HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng trên phạm vi nhiều tỉnh, doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng như: HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Lâm Đồng), HTX Evergrowth (Sóc Trăng), HTX bò sữa Tân Thông Hội (Tp Hồ Chí Minh), Liên hiệp HTX Thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Saigoncoop)…

Bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTHT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn như: Tốc độ tăng trưởng chậm, thiếu ổn định; một số HTX chưa tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật, còn có biểu hiện hình thức, xa rời bản chất các nguyên tắc và giá trị HTX; năng lực nội tại của các HTX còn yếu, chủ yếu dựa vào vốn tự có, chưa tiếp cận được vốn vay từ  các tổ chức tín dụng; sự liên kết, hợp tác của các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả thấp, vai trò của liên hiệp HTX chưa được phát huy.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, bên cạnh những kết quả đạt được, khu vực KTHT, HTX phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, còn nhiều hạn chế, khó khăn. Ảnh: Lê TIên

Để đưa KTTT thoát khỏi những yếu kém để phát triển, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, tiến tới có tỷ trọng ngày càng lớn hơn trong GDP của nền kinh tế, thì việc ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của nhà nước đối với HTX là một yếu tố rất quan trọng.

Theo quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012, Nhà nước có 6 chính sách hỗ trợ đối với hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã (Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; Ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới; Tiếp cận vốn và quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã; Tạo điều kiện tham gia các chương trình mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế - xã hội; Thành lập mới hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã), 2 chính sách ưu đãi (Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác theo quy định của pháp luật về thuế; Ưu đãi lệ phí đăng ký hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí).

Riêng đối với hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, ngoài việc được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi quy định nêu trên, còn được hưởng 5 chính sách hỗ trợ, ưu đãi khác (Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; Giao đất, cho thuê đất để phục vụ hoạt động của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định của pháp luật về đất đai; Ưu đãi về tín dụng; Vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; Chế biến sản phẩm).

Các chính sách này đã được cụ thể hóa trong Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015- 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014. Bên cạnh đó, nhiều địa phương đã ban hành và thực hiện các chính sách hỗ trợ riêng nhằm khuyến khích các HTX phát triển, phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa phương.

Tuy nhiên, công tác triển khai còn rất nhiều hạn chế. Có chính sách hầu như chưa thực hiện được như chính sách hỗ trợ về kết cấu hạ tầng. Một số chính sách có thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao như chính sách ưu đãi tín dụng, chính sách hỗ trợ chế biến sản phẩm…Chính vì vậy, mặc dù có rất nhiều chính sách, nhưng trên thực tế, số lượng hợp tác xã được hưởng chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước chưa nhiều. Vì vậy, việc tổ chức các Diễn đàn trao đổi, thảo luận để xây dựng các chinh sách hỗ trợ khả thi, đáp ứng nhu cầu của các HTX là rất cần thiết.

Chính vì vậy, việc tổ chức Diễn đàn về Kinh tế hợp tác, hợp tác xã thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày HTX Việt Nam là rất có ý nghĩa, là dịp để các HTX và các cơ quan quản lý Nhà nước, các đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn các cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển KTHT, HTX nước ta nói riêng và thế giới nói chung; thực hiện vai trò chuyển tải những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng HTX tới các cơ quan Chính phủ. Đồng thời, đây cũng là dịp tăng cường giao thương hợp tác giữa các HTX với nhau, giữa HTX với các doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ… góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các HTX, liên hiệp HTX trên tất cả các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, đáp ứng với nhu cầu về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân và các tổ chức, cá nhân muốn hợp tác để xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho mình và cho đất nước.

Trong bối cảnh thương mại thế giới có những thay đổi, tác động đến kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới, với phương châm biến thách thức thành hành động và cơ hội, Diễn đàn KTHT, HTX năm nay tập trung vào vấn đề chính là “Cơ chế, chính sách để phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã”, sẽ tập trung trao đổi những khó khăn, vướng mắc khi triển khai các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với HTX như: chính sách đất đai, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với HTX; những giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Việt Nam; tăng cường khả năng huy động nguồn lực về vốn, nhân lực chất lượng cao; chính sách ưu đãi về thuế, tiền lương, phí và lệ phí; …

Đặc biệt, tại Diễn đàn ngày hôm nay, chúng ta sẽ được nghe bài phát biểu chỉ đạo quan trọng của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, thể hiện tình cảm, sự quan tâm và mong muốn của Lãnh đạo Chính phủ đối với sự phát triển KTHT, HTX, là thành phần kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

 Nguyễn Chí Dũng

Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

(*) Tít bài do Báo Đấu thầu đặt.

Chuyên đề