Bình Định rà soát, phát huy lợi thế để thu hút đầu tư

(BĐT) - Sáng 22/7/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đã là việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tình hình xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế tập thể.
Ảnh Thành Chung
Ảnh Thành Chung

Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, du lịch tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, 2,6 triệu lượt khách tới du lịch tăng 22%, trong đó khách quốc tế tăng tới 49,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 220.000 lượt.

Thu ngân sách của Tỉnh đã đạt gần 80% dự toán của năm (5.906 tỷ đồng), tăng 54% so với cùng kỳ năm 2018. Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Bình Định đạt kết quả khá với 54%, trong khi bình quân cả nước chỉ đạt 34%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương này trong 6 tháng qua thấp hơn bình quân của cả nước khi đạt 6,7%.

Trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh Bình Định đã có 63,6% tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, cao hơn tỷ lệ 50,1% của cả nước và hơn các tỉnh có điều kiện tương đồng trong khu vực. Bên cạnh đó, Bình Định quan tâm phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp như cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao gia tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình từ 15- 20 triệu/năm.

Tuy vậy, về tăng trưởng kinh tế và cải cách thủ tục hành chính của Bình Định cũng có nhiều điểm đáng lưu ý. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung nhận định, tăng trưởng kinh tế của địa phương chậm do cải cách môi trường đầu tư, thủ tục kinh doanh còn khiêm tốn. Chỉ số PCI năm 2018 của tỉnh Bình Định xếp vị trí 20/63, tụt 2 bậc so với năm 2017, chỉ số PAPI từ vị trí thứ 7 tụt xuống vị trí 61/63 địa phương. Địa phương cần đánh giá kỹ hơn vấn đề này trong cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, trong gần 6.000 tỷ đồng thu ngân sách của tỉnh Bình Định thì số thu từ tiền sử dụng đất đã chiếm hơn một nửa nên khó bền vững. Hiện nay một số địa phương có xu hướng tập trung khai thác quỹ đất để có nguồn lực đầu tư nhưng vấn đề này có hai mặt, lợi trước mắt nhưng lâu dài thì bất cập. Như Bình Định quỹ đất hạn hẹp, không còn nhiều, nhất là đất ven biển. Nếu quy hoạch, khai thác không hợp lý thì sẽ không thể phát triển bền vững.

Tại Buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, Thường trực tỉnh uỷ Bình Định phải quan tâm hơn nữa tới phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã trên tinh thần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo Phó Thủ tướng, đây là các lĩnh vực quan trọng để thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách cho địa phương, tiến tới cân đối được thu chi ngân sách. Trước lo ngại thu ngân sách của địa phương vẫn chủ yếu từ tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ dẫn trường hợp thành phố Đà Nẵng cách đây nhiều năm cũng phụ thuộc vào tiền sử dụng đất nhưng hiện nay, thu từ đất của Đà Nẵng chỉ còn chiếm 16%, tổng thu ngân sách trên địa bàn này vẫn tăng lên nhờ các nguồn thu từ dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và cách quản lý hiệu quả các nguồn thu này.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định và các bộ, ngành rà soát lại lợi thế để kiến nghị Trung ương, Chính phủ xây dựng Nhơn Hội là Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường của vùng và cả nước, thành phố Quy Nhơn là trung tâm du lịch của cả nước. Bình Định đã đúng khi quyết đoán không triển khai Dự án lọc hoá dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội để chuyển sang thu hút các ngành nghề có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và cần tiếp tục cải cách để thực hiện được hướng đi này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.

Chuyên đề