Bí thư Đinh La Thăng: Không lý gì gây phiền toái cho doanh nghiệp

(BĐT) - Với chủ đề “Lắng nghe và đổi mới”, Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành phố và doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP.HCM năm 2016 do Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM tổ chức sáng ngày 8/3 đã tìm được nhiều tiếng nói chung.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn năm 2016 với chủ đề đề “Lắng nghe và đổi mới” sáng 8-3 - Ảnh: Duyên Phan
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo thành phố và doanh nghiệp trên địa bàn năm 2016 với chủ đề đề “Lắng nghe và đổi mới” sáng 8-3 - Ảnh: Duyên Phan

Lo lắng trước thách thức hội nhập

Một trong những vấn đề được nhiều DN đặc biệt quan tâm tại hội nghị này chính là đồng vốn của họ đi vay ở các ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM cho rằng, vốn được ví như máu của DN. Tuy nhiên, vấn đề lãi suất, thời gian cho vay hiện còn nhiều bất cập, khiến cho việc khơi thông dòng vốn trong DN gặp vô vàn khó khăn. Hơn bao giờ hết, việc hỗ trợ về tài chính cho DN, nhất là những DN nhỏ và vừa là rất cần, nếu không tất cả đều tê liệt, khó có thể “chiến đấu”.

Song song với vấn đề vốn vay, vấn đề lãi suất cũng khiến nhiều DN trên địa bàn Thành phố hết sức bức xúc. Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch HĐTV Công ty Cơ khí Duy Khanh cho hay, ngành cơ khí đang gặp phải rất nhiều khó khăn, vì vậy Thành phố phải kiến nghị với Chính phủ giảm thuế thu nhập cho DN. Riêng về thuế giá trị gia tăng (VAT), cần xem xét và nên có lộ trình miễn giảm ngay từ đầu để dòng vốn của DN dễ xoay sở hơn, khỏi bị chôn vốn, vì sau một năm mới hoàn thuế VAT là rất lâu.

Vấn đề hội nhập đang rất cấp bách, cùng với đó là những thách thức sẽ đến từ hội nhập ngày một hiển hiện cũng khiến cho nhiều DN trên địa bàn Thành phố không khỏi lo lắng. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM cho hay, hiện 70 - 80% nguyên liệu ngành dệt may chủ yếu nhập từ nước ngoài, khoảng 25% còn lại trong nước tự chủ. Đây là một trong những vấn đề hết sức khó khăn khi hội nhập TPP. Các DN dệt nhuộm than phiền rằng vải nhập khẩu rất nhiều, nhiều DN trong nước cạnh tranh không nổi nên họ không dám đầu tư mở rộng. Hiện số DN có sức cạnh tranh tốt như An Phước, May 10 rất ít, số còn lại rất khó khăn.

Theo các DN, mặc dù Thành phố luôn đối xử bình đẳng với các DN, nhưng thực tế cho thấy sức cạnh tranh giữa các DN hiện nay không tương đồng. Trong cuộc chơi cạnh tranh, đa phần DN nhỏ và vừa trong nước chịu thua thiệt. Ông Vũ Hải Hà, Giám đốc Công ty Hàng hải Sopas cho rằng, lãi suất của nước ngoài áp dụng đối với các DN sản xuất của họ chỉ từ 1-1,5%, trong khi ở Việt Nam ít nhất là 6 - 8% mỗi năm. Đó là chưa kể các chi phí khác, vì vậy các DN rất khó phát triển. 

Kiên quyết xử lý nhũng nhiễu doanh nghiệp

Tại Hội nghị, sau khi nghe các DN phản ánh những khó khăn, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã yêu cầu các sở, ban ngành giải đáp thắc mắc tại chỗ cho DN thấu tỏ. Theo bà Trần Thị Lệ Nga, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM, kiến nghị của các DN trong lĩnh vực cơ khí là rất chính đáng, nhưng đây là vấn đề chính sách do Quốc hội ban hành nên Chi cục Thuế TP.HCM cũng đang có kiến nghị gửi lên Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM theo hướng mà DN đề xuất.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Lệ Nga cũng lưu ý, theo quy định hiện hành, với DN xuất khẩu đóng thuế trên 300 triệu đồng thì việc hoàn thuế là theo từng tháng, kỳ, hoặc quý, còn dưới 300 triệu đồng là 12 tháng. Hiện có nhiều DN mấy năm liền mới quyết toán thuế nên việc hoàn thuế rất chậm và gây thiệt hại cho DN. Về vấn đề này, ông Đinh La Thăng đề nghị Cục Thuế TP.HCM kiến nghị cho phép DN tự lựa chọn thời gian hoàn thuế để tạo thuận lợi hơn cho DN. Chỉ đạo này của Bí thư Thành ủy nhận được sự hoan nghênh từ DN.

Đối với việc thành lập Trung tâm Hội chợ triễn lãm quốc tế theo kiến nghị của các DN, ông Đinh La Thăng tán thành và yêu cầu Sở Công Thương TP.HCM thực hiện trong khoảng từ 4 - 6 tháng như đã cam kết. Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết thêm, hiện UBND Thành phố đang giao cho một DN nước ngoài nghiên cứu, thiết kế. Trung tâm này có diện tích 10 ha đã được quy hoạch tại Thủ Thiêm, quận 2.

Trước những khúc mắc của DN, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng, những kiến nghị và đề xuất của các doanh nhân, DN là rất chính đáng vì sự thành công của DN chính là sự thành công của Thành phố. “Chúng ta đang trong quá trình thực hiện các FTA thế hệ mới. Vì vậy, tư thế và lộ trình vào các FTA như thế nào, việc đề xuất cơ chế ra sao, cần các bên phải vào cuộc để cùng nhau tháo gỡ. Cái gì thuộc thẩm quyền của Thành phố, Thành phố sẽ tháo gỡ, nếu vượt thẩm quyền, Thành phố sẽ kiến nghị lên Chính phủ, lên Trung ương”, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định.

Kết luận tại Hội nghị, ông Đinh La Thăng cho biết, Thành phố rất trân trọng tiếp thu những ý kiến đóng góp của doanh nhân. Vì vậy, bắt buộc các sở, ban, ngành Thành phố có cam kết thời gian cụ thể xung quanh việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho DN và phải công khai, minh bạch để DN và toàn dân biết. 

“Chúng ta cần phải duy trì thường xuyên việc này. DN chính là người quyết định đến năng lực cạnh tranh của Thành phố. Cần thay đổi nhận thức, phải coi DN là đối tượng để phục vụ. DN đã góp phần nuôi bộ máy chính quyền thì không lý gì mà gây phiền toái cho họ”, ông Đinh La Thăng chỉ đạo và nhấn mạnh: “Quan điểm của chúng tôi là không phân biệt đối xử, dù DN đó là của Nhà nước, tư nhân hay của nước ngoài. Chúng ta phải tạo ra một phong trào khởi nghiệp trong toàn Thành phố. Đặc biệt, cương quyết xử lý những người nhũng nhiễu, chèn ép, gây phiền hà cho DN. Những người có năng lực yếu kém cũng cần phải loại bỏ”.

Chuyên đề