Bất thường ngưng bán xăng RON 95: Cần xem lại cách điều hành giá?

(BĐT) - Trong những ngày gần đây, một số cây xăng trên địa bàn Hà Nội thông báo tạm dừng bán xăng RON 95 do hết hàng. Tuy nhiên, thông tin từ các doanh nghiệp đầu mối cho thấy, nguồn cung không hề thiếu. 
Ở 2 kỳ điều hành gần nhất, dù giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn không tăng. Ảnh: Tường Lâm
Ở 2 kỳ điều hành gần nhất, dù giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh nhưng giá xăng dầu trong nước vẫn không tăng. Ảnh: Tường Lâm

Trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương ngày 27/3 đăng tải thông báo khẳng định: "Nguồn cung xăng dầu trong nước hiện vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và đời sống của người dân". Vậy tại sao lại có chuyện cây xăng kêu hết hàng?

Theo một số đại lý kinh doanh xăng dầu, nguyên nhân của tình trạng dừng bán xăng RON 95 là việc nhập hàng từ đầu mối khó khăn hơn, hàng bán ra nhỏ giọt và nguồn cung có dấu hiệu khan hiếm do từ đầu năm 2019, Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn ngưng cung cấp hàng.

Trả lời báo chí mới đây, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, về nguồn cung, vừa qua 1 trong 2 nhà máy cung cấp xăng dầu trong nước là Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn gặp sự cố nên nguồn cung gián đoạn. Tuy nhiên, theo chuyên gia xăng dầu, Việt Nam không chỉ có nguồn cung xăng RON 95 từ hai nhà máy lớn trong nước (Nghi Sơn, Dung Quất), mà còn nhập khẩu từ một số nước. Do đó, nguồn cung xăng RON 95 không thiếu.

Về vấn đề này, Bộ Công Thương cũng luôn khẳng định, nguồn cung xăng dầu trong nước không hề thiếu. Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát việc bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu và tại các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, xử lý nghiêm các thương nhân có hành vi vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, một chuyên gia xăng dầu nhìn nhận, thông tin khan hiếm nguồn hàng có thể bắt nguồn từ việc chênh lệch giữa giá bán ra với giá cơ sở của các mặt hàng xăng dầu phổ biến trên thị trường hiện rất lớn.

Theo một số chuyên gia, phản ánh của doanh nghiệp cho thấy họ không thiếu nguồn cung xăng dầu, song có lẽ vấn đề ở đây là do khâu điều hành. Bởi lẽ, để bình ổn giá xăng dầu trong nước, thông thường trong điều hành dùng 2 “van” là xả Quỹ bình ổn giá xăng dầu và tăng giá, nhưng thực tế trong kỳ điều hành vừa qua (18/3), giá xăng dầu trong nước không tăng mà chỉ xả Quỹ.

Trong khi đó, Quỹ hiện đặt tại doanh nghiệp lại có tình trạng nơi còn nơi hết. Với doanh nghiệp không có Quỹ thì họ phải đi vay ngân hàng để nhập xăng RON 95, điều này là bất lợi cho doanh nghiệp. Về phía đại lý bán lẻ, khi doanh nghiệp đầu mối “hãm” nhập để bán thì chiết khấu cho các đại lý cũng ít đi khiến họ không mặn mà. “Ở vụ việc này, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho rằng không có lợi nên họ dùng chiêu trò hết hàng, chứ thực tế không thiếu hàng cung ứng”, một chuyên gia lý giải.

Đồng quan điểm, ông Cao Hoài Dương chia sẻ, Quỹ bình ổn đặt tại doanh nghiệp đang bị âm khoảng 400 tỷ đồng. Quỹ này âm nghĩa là doanh nghiệp đang phải dùng tiền của mình hoặc vay ngân hàng để thực hiện nghĩa vụ cho Nhà nước. Thêm nữa, hiện chiết khấu cho bán lẻ không bù được chi phí do giá bán lẻ không tăng. “Bán lẻ đang rất vất vả đến mức chúng tôi nói với nhau rằng, doanh nghiệp bán lẻ nào vừa qua mà kinh doanh có lãi là phải giải trình, vì lỗ là hiển nhiên”, ông Dương chia sẻ thêm.

Dữ liệu cho thấy, ở 2 kỳ điều hành gần nhất, do giá xăng dầu thế giới biến động tăng mạnh nên Liên bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định giữ ổn định giá xăng dầu, tăng mức chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá điện tăng theo lộ trình. “Quỹ bình ổn giá xăng dầu thời gian qua được chi sử dụng liên tục và ở mức cao nhằm hạn chế tác động của tăng giá thành phẩm xăng dầu thế giới với giá bán xăng dầu trong nước, góp phần kiểm soát lạm phát”, Liên bộ Công Thương - Tài Chính nhấn mạnh trong thông cáo về việc điều hành giá xăng dầu ngày 18/3/2018.

Trong bối cảnh hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng, có lẽ cần xem xét lại để hài hòa lợi ích giữa Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng. Trong điều hành giá xăng dầu, có nhiều công cụ khác nhau (thuế - giá - Quỹ) chứ không chỉ bằng 1 công cụ để hài hòa lợi ích các bên. “Trong trường hợp vừa rồi vừa xả Quỹ vừa nâng giá là hợp lý”, một chuyên gia nói. 

Liên quan đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đại diện Hiệp hội Xăng dầu cũng vừa lên tiếng cho rằng, Quỹ đã không còn cần thiết bởi việc trích lập, chi Quỹ chung quy lại vẫn là thu tiền của người dân để chi bình ổn. Trong khi đó, việc điều hành bất hợp lý có thể làm méo mó thị trường xăng dầu trong nước, làm mất đi ý nghĩa điều tiết của kinh tế thị trường.

Chuyên đề