Báo chí chung tay cải cách môi trường kinh doanh

(BĐT) - Năm 2019, môi trường kinh doanh của Việt Nam được dự đoán sẽ tiếp tục tăng hạng đáng kể trong bảng xếp hạng Doing Business của Ngân hàng Thế giới. Đây là quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của các bộ, ngành, địa phương và có sự chung tay, góp sức của các cơ quan báo chí.
Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thúc đẩy và tạo áp lực lên các bộ, ngành, địa phương về cải cách môi trường kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên
Các cơ quan báo chí, truyền thông đã thúc đẩy và tạo áp lực lên các bộ, ngành, địa phương về cải cách môi trường kinh doanh. Ảnh: Lê Tiên

Vừa tạo động lực vừa tạo sức ép

Môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày càng được cải thiện và trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho biết, tính đến ngày 20/5/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 16,74 tỷ USD, tăng 69,1% so với cùng kỳ năm 2018. Mới đây, tại Diễn đàn Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam (Vietnam Venture Summit) 2019, đã có 18 quỹ đầu tư mạo hiểm cam kết đầu tư vào các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới với tổng số vốn lên tới 10.000 tỷ đồng. “Đây là khoản đầu tư trong tương lai rất lớn mà các quỹ dành cho các startup Việt”, đại diện Quỹ đầu tư mạo hiểm Golden Gate Ventures chia sẻ.

Năm 2019 cũng là năm thứ 6 Việt Nam thực hiện nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua Nghị quyết số 19 (nay là Nghị quyết số 02)… Môi trường kinh doanh của Việt Nam gần như liên tục có sự tăng hạng cả về chỉ số và thứ hạng trong bảng xếp hạng Doing Business qua từng năm.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương - người chắp bút xây dựng các nghị quyết nói trên của Chính phủ cho rằng, thành tích này có sự chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc thúc đẩy cũng như tạo áp lực lên các bộ, ngành, địa phương về cải cách môi trường kinh doanh. “Báo chí đã phản ánh kịp thời những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp (DN); cung cấp cơ sở, bằng chứng thực tiễn cũng như chuyển tải các kiến nghị của DN, người dân… Từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN yên tâm thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh”, bà Thảo đánh giá.

Đồng quan điểm với bà Thảo, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân thuộc Bộ KH&ĐT khẳng định: “Báo chí là kênh thông tin quan trọng trong việc phổ biến, tuyên truyền các nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như Nghị quyết 01; Nghị quyết 02…”.

Theo ông Trần Quốc Phương, thời gian qua, các cơ quan báo chí đã có những tin, bài bám sát các nhiệm vụ quan trọng, nhiệm vụ lớn của các bộ, ngành và địa phương. Báo chí không những đưa tin, thông báo kết quả đạt được trong việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, mà còn là kênh tạo nên sức ép để nhắc nhở cũng như đôn đốc các bộ, ngành, địa phương, nhất là thủ trưởng của các đơn vị thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ đã đề ra. Nhờ những nỗ lực này mà số lượng DN thành lập mới liên tục gia tăng; nhiều DN tạm ngừng hoạt động trước đây cũng quay trở lại hoạt động.

Tính riêng 5 tháng đầu năm 2019, cả nước có gần 54.000 DN đăng ký thành lập mới, cao nhất trong 5 năm qua. Bên cạnh đó, còn có 19.600 DN quay trở lại hoạt động, tăng 48,1% so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số DN đăng ký thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động trong 5 tháng lên hơn 73.600 DN. 

Cần sâu sát hơn, toàn diện hơn

Báo chí đã phản ánh kịp thời những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp (DN); cung cấp cơ sở, bằng chứng thực tiễn cũng như chuyển tải các kiến nghị của DN, người dân… Từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN yên tâm thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Với những nỗ lực trong cải cách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các dự báo đưa ra gần đây cho thấy, nhiều khả năng xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong Doing Business sẽ tiếp tục tăng hạng.

Riêng với Chỉ số khởi sự kinh doanh, 5 tháng đầu năm 2019, Bộ KH&ĐT đã chỉ đạo các phòng đăng ký kinh doanh thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng gộp 4 bước thủ tục (đăng ký thành lập DN, thông báo mẫu con dấu, khắc dấu, mở tài khoản ngân hàng) thành 1 bước thủ tục; Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 37/2017/TT-BTC rút ngắn thời gian đăng ký tự in hóa đơn từ 10 ngày xuống còn 2 ngày… Bộ Xây dựng cùng các đơn vị tiến hành đồng thời 3 thủ tục (thẩm duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy; cấp giấy phép xây dựng; và kết nối cấp thoát nước) để rút ngắn thời gian thực hiện Chỉ số cấp phép xây dựng. Trong việc thực hiện Nghị quyết 01, Nghị quyết 02…, nhiều bộ, ngành và địa phương cũng đã có những sáng kiến được báo chí kịp thời phản ánh.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Phương cho rằng, thời gian tới, các cơ quan báo chí cần tiếp tục có những tin, bài phản ánh, phân tích, bình luận sâu sát hơn, toàn diện hơn về các vấn đề kinh tế - xã hội để cung cấp cho bạn đọc, khán thính giả cái nhìn đa chiều, sâu sắc. “Giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ hiện nay có rất nhiều nguyên nhân chứ không phải do một nguyên nhân, trong khi đó, nguyên nhân ở mỗi dự án cụ thể cũng rất khác nhau. Muốn giải ngân vốn đầu tư công nhanh thì cần sự chung tay của tất cả các đơn vị chứ không phải của riêng một cơ quan nào được giao”, ông Phương lưu ý.

Trước một số phản ánh việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành của nhiều bộ, ngành còn chưa được như báo cáo trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thậm chí còn có hiện tượng rào cản kinh doanh “mọc” trở lại, bà Nguyễn Minh Thảo cho rằng, lúc này báo chí có vai trò vô cùng quan trọng trong việc phản ánh chân thực, khách quan đối với hoạt động này. “Nơi nào làm chưa tốt, báo cáo lấy thành tích thì báo chí cần vào cuộc điều tra, làm rõ, lên án để môi trường kinh doanh cho DN thực sự thuận lợi. Ngược lại, nơi nào làm tốt thì kịp thời phản ánh, nêu gương”.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang len lỏi vào nhiều lĩnh vực của đời sống, nếu nắm bắt được cơ hội, Việt Nam có thể bắt kịp, đi cùng và vượt lên để phát triển thịnh vượng. Trong nỗ lực này, báo chí cũng phải chung tay phổ biến, tuyên truyền để giúp các DN, người dân có thể tận dụng tốt nhất những cơ hội từ cuộc cách mạng này. Mỗi nhà báo cần chuẩn bị cho mình những hành trang, kiến thức, nghiệp vụ tốt nhất để mỗi bài báo thực sự trở thành “vũ khí” góp phần quan trọng xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch cho DN phát triển.

Chuyên đề