APEC 2017: Đối thoại về đô thị hóa bền vững

Để định hướng và đưa chủ đề đô thị hóa vào chương trình làm việc các cơ quan chuyên môn tại Việt Nam cũng như thực hiện các cam kết quốc tế và mục tiêu phát triển bền vững đã đề ra, Bộ Xây dựng đề xuất tổ chức Hội nghị “Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững”.
Phát triển đô thị bền vững cần huy động tối đa sự quan tâm, tham gia của cộng đồng. (Ảnh minh họa)
Phát triển đô thị bền vững cần huy động tối đa sự quan tâm, tham gia của cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc

Năm 1992, Hội nghị Thượng đỉnh về Môi trường và Phát triển của Liên Hợp Quốc được tổ chức ở Rio de Janeiro đề ra Chương trình nghị sự toàn cầu cho thế kỷ XXI, xác định: “Một sự phát triển thỏa mãn những nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm hại đến khả năng đáp ứng những nhu cầu của thế hệ tương lai”. Phát triển bền vững gắn liền với các mục tiêu bảo vệ môi trường, giải quyết những bất ổn trong xã hội.

Năm 2015, Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp Quốc về Phát triển bền vững diễn ra tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, New York, Hoa Kỳ đã thông qua Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững với 17 mục tiêu phát triển bền vững và 169 mục tiêu cụ thể cho giai đoạn 2016-2030, trong đó có mục tiêu số 11: “Xây dựng các đô thị và cộng đồng dân cư hiệu quả, an toàn, đồng bộ và bền vững”.

Cũng trong năm 2015, Diễn đàn Đô thị Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 6 (APUF-6) do các tổ chức Liên hiệp quốc tổ chức (UNESCAP, UN Habitat, UNDP…) đã diễn ra tại Jakarta với sự tham dự của gần 1.000 đại biểu từ các quốc gia vùng APEC, và các nhà tài trợ, các tổ chức phi chính phủ...

Diễn đàn bàn về các nội dung mà các mục tiêu phát triển bền vững được đưa vào trong Chương trình Nghị sự 2015-2030 mới của Liên Hợp Quốc, bao gồm: Chính sách đô thị; báo cáo quốc gia về đô thị hoá; đô thị và phát triển bền vững toàn cầu; quan hệ đối tác liên kết đô thị, liên kết các bên liên quan; quy hoạch đô thị và vùng lãnh thổ; quản lý thu gom rác thải đô thị; quản lý nguồn lực tổng hợp; chính quyền địa phương và huy động nguồn tài chính phục vụ phát triển đô thị bền vững; giảm nghèo thông qua phát triển đô thị tổng thể; các giải pháp cấp nước tổng hợp; phát triển kinh tế địa phương; quản lý đất đai đô thị; nâng cấp đô thị và sự tham gia của cộng đồng; đô thị có khả năng chống chịu (trước biến đổi khí hậu); quản lý tăng trưởng xanh đô thị; phát triển bất động sản bền vững; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu; giao thông và hạ tầng bền vững; đô thị và vai trò phụ nữ; quyền sở hữu, sử dụng đất đô thị.

Cụ thể hóa qua các kỳ họp APEC

Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC) đã cụ thể hóa các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc qua các kỳ họp. Năm 2010, đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững gắn liền với các mục tiêu cốt lõi của “Chiến lược tăng trưởng APEC” đã được thông qua tại Nhật Bản, và có liên quan đặc biệt với sự tăng trưởng toàn diện, bền vững và sáng tạo.

Năm 2013, Tuyên bố Bali của APEC chính thức công nhận đô thị hóa là một lĩnh vực phát triển của vùng Châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2014, trong Tuyên bố chung của Diễn đàn APEC Trung Quốc, các nhà lãnh đạo công nhận rằng Vùng châu Á – Thái Bình Dương đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ và sự phát triển đô thị lành mạnh bền vững góp phần quan trọng vào tăng trưởng sáng tạo và phát triển bền vững và toàn diện trong Vùng.

Các nhà lãnh đạo APEC đã phê duyệt Sáng kiến Hợp tác APEC về Đồng Sáng lập một Quan hệ đối tác Đô thị hóa châu Á – Thái Bình Dương. Các Bộ trưởng APEC nhất trí thành lập một Nhóm Bạn của Chủ tịch Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM) về Đô thị hóa để định hướng công tác trong lĩnh vực này và khuyến khích các diễn đàn nhánh đưa các chủ đề đô thị hóa vào chương trình làm việc của mình.

Diễn đàn APEC 2015 tổ chức tại Philippines lần đầu tiên có các cuộc họp của Nhóm bạn của Chủ tịch (FoTC) về Đô thị hóa. Cuộc họp đã thảo luận tập trung vào 3 mục tiêu: Thực hiện sáng kiến thành lập Quan hệ đối tác Đô thị hóa vùng Châu Á – Thái Bình Dương để giảm thiểu khoảng cách phát triển giữa các đô thị trong vùng và tăng cường liên kết vùng APEC; Xây dựng các chiến lược và chương trình công tác để khuyến khích phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững; Tạo lập mạng lưới các đô thị bền vững trong các nền kinh tế APEC đang triển khai các mục tiêu phát triển đô thị và đô thị hóa bền vững, và mở rộng ra các quốc gia còn lại.

Theo đuổi sáng kiến thiết lập Quan hệ đối tác Đô thị hoá APEC 2014 do Trung Quốc khởi xướng, ngày 02-03/6/2016, Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, phối hợp với Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã chủ trì tổ chức Diễn đàn Đô thị hóa Cấp cao APEC 2016 với chủ đề: “Đô thị hoá và tăng trưởng bao trùm” tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Tham dự Diễn đàn có khoảng 1.000 đại biểu, trong đó khoảng 200 đại biểu nước ngoài là lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành, Thị trưởng, lãnh đạo chính quyền thành phố, Tập đoàn, doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế APEC như: Mỹ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Philippines, Hồng Kông, Đài Loan, Peru, Chile, Nga, Papua New Guine và Việt Nam. Sáng kiến Ninh Ba đã xuất các chủ đề: Thúc đẩy tăng trưởng đô thị bao trùm, cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố thông minh, phát triển thành phố xanh, khuyến khích tái tạo và chỉnh trang đô thị, hướng tới phát triển đô thị sáng tạo, thúc đẩy hợp tác APEC về phát triển đô thị bền vững.

Việt Nam là quốc gia có vị trí quan trọng ở Đông Nam Á và châu Á. Xây dựng và phát triển bền vững đô thị Việt Nam trong giai đoạn hiện nay là một nhiệm vụ trọng tâm hướng tới xây dựng đô thị mới tươi đẹp, hiện đại có bản sắc, phục vụ nhu cầu sống ngày một cao của người dân. Trong quá trình phát triển đô thị vừa qua, Chính phủ Việt Nam thấy rằng phát triển đô thị bền vững là việc làm cần thiết và phải có quy hoạch xây dựng đô thị đi trước một bước làm cơ sở cho việc quản lý và tạo nguồn lực cho đầu tư xây dựng phát triển đô thị. Về nguồn lực phát triển cần huy động nhiều nguồn lực của xã hội, trong và ngoài nước, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực của chính quyền, người dân trong việc tham gia quản lý đầu tư và thực hiện quy hoạch cần được tiếp tục tuyên truyền phổ biến và nhân rộng bằng nhiều hình thức khác nhau.

Việc tổ chức Hội nghị “Đối thoại APEC 2017 về Đô thị hóa bền vững” không chỉ là cơ hội để Chính phủ Việt Nam kêu gọi sự tham gia đầy đủ của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương trong việc quản lý đô thị hóa bền vững, mà còn đồng thời huy động tối đa sự quan tâm, tham gia của cộng đồng trong nước và khu vực cùng hướng tới một hệ thống đô thị phát triển bền vững.

Chuyên đề