Áp lực lạm phát có thể lan sang năm 2019

(BĐT) - Nhiều chuyên gia kinh tế vừa đưa ra nhận định rằng, khả năng các mục tiêu kinh tế vĩ mô mà Quốc hội đặt ra trong năm nay sẽ về đích, thậm chí vượt kỳ vọng. 
Lạm phát lõi đang có xu hướng tăng lên, hiện đã là 2%. Ảnh: Bùi Đức Thâu
Lạm phát lõi đang có xu hướng tăng lên, hiện đã là 2%. Ảnh: Bùi Đức Thâu

Tuy nhiên, việc duy trì kiểm soát lạm phát dưới 4% trong những tháng cuối năm và cả năm 2019 là không hề dễ dàng, bởi những áp lực từ vòng xoáy tăng giá trong và ngoài nước, nhất là khi giá xăng dầu biến động.

Tăng trưởng có thể vượt 6,8%

Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vừa đưa ra dự báo, mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 6,7% của năm 2018 do Quốc hội đề ra hầu như chắc chắn sẽ thực hiện được. Thậm chí, nhiều khả năng kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng hơn 6,8% trong năm nay. Sở dĩ có sự lạc quan này, theo TS. Nguyễn Đức Thành, là do kết quả tích cực của 3 quý vừa qua, đặc biệt là mức tăng trưởng ấn tượng 6,88% trong quý III/2018, cao hơn mức kỳ vọng.

Trước đó, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, nhìn chung trong 3 quý vừa qua, các khu vực đều có sự cải thiện tích cực. Thương mại có xuất siêu liên tục với quy mô lớn. Lạm phát ở khuynh hướng đi lên nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. Chỉ số sản xuất công nghiệp 9 tháng tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái...

Cảnh báo vòng xoáy tăng giá

Tuy nhiên, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại về áp lực lạm phát trong những tháng cuối năm và có thể lan sang năm 2019, do những yếu tố tác động trong và ngoài nước.

Ở trong nước, phân tích của Nhóm nghiên cứu kinh tế vĩ mô của VEPR cho thấy, lạm phát quý III/2018 tuy không còn tăng cao như quý trước nhưng vẫn ở mức cao, chủ yếu do giá thực phẩm tiếp tục phục hồi mạnh và sự điều chỉnh tăng giá xăng dầu. Giá cả trong nước đang có xu hướng tăng, nhất là vào thời điểm cuối năm, do tín dụng tăng, giải ngân mạnh... Tuy nhiên, đây chỉ là yếu tố mang tính chất mùa vụ. Điều đáng lo ngại chính là việc đánh thuế xăng dầu tương đối cao, điều chỉnh tăng giá các dịch vụ công, tăng lương... làm tăng thêm chi phí sản xuất.

Cùng với những tác động trong nước lên lạm phát, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Iran dẫn đến giá năng lượng tăng cao, có thể xảy ra những cú sốc tác động tiêu cực tới nền kinh tế trong nước.

“Nếu như giá nhiên liệu thế giới tiếp tục ở mức cao, đồng thời Việt Nam áp kịch trần thuế môi trường đối với xăng dầu (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) kể từ ngày 1/1/2019, thì có thể làm tỷ lệ lạm phát trong vòng 1 năm tới tăng thêm 1,6 điểm phần trăm”, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định.

Trước những diễn biến của giá năng lượng thế giới, PGS. TS. Phạm Thế Anh - Trưởng bộ môn Kinh tế vĩ mô thuộc Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, xăng dầu là một trong những mặt hàng tác động mạnh nhất lên chỉ số giá tiêu dùng. Việc tăng giá xăng dầu sẽ tạo nên vòng xoáy tăng giá, đẩy chi phí doanh nghiệp lên cao, hạn chế khả năng cạnh tranh của nền kinh tế. Do đó, mức lạm phát mục tiêu 4% như những năm vừa qua là khó có thể đạt được trong bối cảnh bất lợi như vậy. 

Cần kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn

Từ những cảnh báo rủi ro trên, TS. Nguyễn Đức Thành khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tín dụng chặt chẽ hơn. Một trong những biểu hiện cần quan tâm theo dõi hơn nữa là lạm phát lõi đang có xu hướng tăng lên. Nếu như trước đây là trên 1%, thì nay đã là 2%, mặc dù chưa phải là quá cao nhưng rất đáng quan tâm.

Đối với vấn đề tỷ giá, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng - cho rằng, Chính phủ cần chủ động giảm giá VND một cách khéo léo giữa mức mất giá của đồng Nhân dân tệ (CNY) so với USD để Việt Nam thích ứng trong cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Tỷ giá của Việt Nam vẫn đang neo giữ vào USD, trong khi giá trị của USD đang tăng lên, còn giá trị CNY đang giảm mạnh. Nếu so sánh với CNY, mức độ giảm giá của VND so với USD sẽ thấp hơn, có nghĩa là chi phí sản xuất của Việt Nam sẽ cao hơn, dẫn tới giảm sức cạnh tranh.

Với trạng thái dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay, không có gì đáng lo ngại. Tuy nhiên, năm 2019 sẽ là năm có nhiều biến động tương đối mạnh. Cục Dữ trữ liên bang Mỹ (FED) có thể tiếp tục nâng lãi suất. Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ phải dùng tới công cụ dự trữ ngoại hối hoặc nâng lãi suất để ổn định giá trị VND trong ngắn hạn. Tuy nhiên, TS. Nguyễn Đức Thành lưu ý, chỉ nên dùng công cụ này trong trường hợp cuối cùng, bởi nó sẽ mang lại nhiều hệ lụy cho doanh nghiệp trong năm 2019 và năm 2020, từ đó tác động chung tới cả nền kinh tế.

Chuyên đề