9 nhóm giải pháp thực kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2018

(BĐT) - Hướng đến mục tiêu hàng đầu là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 đã đưa ra 9 nhóm giải pháp với 59 nhiệm vụ cụ thể để bắt tay triển khai ngay sau khi được thông qua.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tại phiên họp. Ảnh: VGP
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ tại phiên họp. Ảnh: VGP

Đầu giờ sáng 28/12/2017, Hội nghị Chính phủ với các địa phương Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 bắt đầu diễn ra và dự kiến sẽ kéo dài đến hết sáng 29/12/2017. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự chỉ đạo tại Hội nghị.

Một trong những báo cáo đầu tiên được trình bày tại Hội nghị là Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Dự thảo Nghị quyết xác định năm 2018 là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020. Bổi cảnh thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm sau có nhiều thuận lợi, nhưng còn không ít khó khăn, thách thức. Những tồn tại, bất cập nội tại của nền kinh tế tiếp tục bộc lộ rõ nét. Cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dư địa chính sách tài khóa, tiền tệ hạn hẹp trong khi nhu cầu nguồn lực cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh lớn…

Năm 2018, Chính phủ đề ra phương châm hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả” và xác định trọng tâm chỉ đạo điều hành là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo chuyển biến rõ nét, thực chất trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực hiện quyết liệt cải cách hành chính; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật và sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở tất cả các ngành, các cấp. Đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí….

Trên cở sở mục tiêu này, Dự thảo Nghị quyết đưa ra 9 nhóm giải pháp với các nhiệm vụ cụ thể để triển khai hoàn thành kế hoạch.

Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng Dự thảo Nghị quyết trên tinh thần đổi mới cả về phương pháp, hình thức và nội dung; bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, ngắn gọn, có mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể gắn với nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực, giảm thiểu những nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các bộ, cơ quan, địa phương, đồng thời chú trọng công tác tổ chức triển khai, theo dõi, đánh giá, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết.   

Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2018

-         Phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%

-         Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%

-         Phấn đấu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao; kiểm soát bội chi ở mức 3,7% GDP

-         Phấn đấu đạt tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu từ 8% đến 10% so với năm 2017, kiểm soát nhập siêu dưới 3% so với tổng kim ngạch xuất khẩu.

Chuyên đề