5 hội thảo chuyên đề lớn tại Diễn đàn Cấp cao về công nghiệp 4.0

(BĐT) - Trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0  - Industry 4.0 summit 2018 đang diễn ra tại Hà Nội với chủ đề: “Tầm nhìn và chiến lược phát triển đột phá trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) sẽ có 5 hội thảo chuyên đề lớn tập trung vào các nội dung cần thiết nhằm giúp Việt Nam hoạch định chính sách kinh tế - xã hội trong bối cảnh mới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện. Ảnh: VGP
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu cắt băng khai mạc sự kiện. Ảnh: VGP

Đây là thông tin được ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương thông tin trong lời khai mạc Diễn đàn sáng nay 13/7, tại Hà Nội.

Chuyên đề thứ nhất đề cập đến những xu hướng của cuộc CMCN 4.0, nhận diện tác động và khuyến nghị đối với Việt Nam. Chuyên đề thứ hai tập trung đến việc xây dựng đô thị thông minh bền vững trong bối cảnh CMCN lần thứ tư. Chuyên đề ba đề cập về việc phát triển nền sản xuất thông minh, tầm nhìn và giải pháp công nghệ. Chuyên đề 4 tập trung đến bước tiến mới trong ngành tài chính- ngân hàng trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư. Chuyên đề 5 tập trung vào tầm nhìn và giải pháp phát triển nông nghiệp thông minh bền vững.

Theo ông Bình, việc khai thác đúng đắn và kịp thời những cơ hội của CMCN 4.0 là thách thức chung của các quốc gia, nhưng đối với một nước đang phát triển như Việt Nam, thách thức đó ngày càng lớn. CMCN 4.0 một mặt mở ra cho chúng ta nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công  nghệ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, cuộc cách mạng này tạo ra sự tay đổi lớn về mô hình kinh doanh bền vững hơn và cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; mang lại tiềm năng cho các nước đang phát triển để có thể rút ngắn quá trình công nghiệp hóa bằng cách đi tắt, đón đầu, phát triển nhảy vọt lên công nghệ cao hơn. Dù vậy, nếu không có cách tiếp cận đúng và bắt kịp trình độ phát triển của thế giới và khu vực, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về công nghệ, tình trạng dư thừa về công nghệ, tình trạng dư thừa lao động kỹ thuật thấp và sự bất bình đẳng trong xã hội. Bên cạnh đó, sự liên kết và gắn kết trong thời đại CMCN 4.0 dẫn tới vấn đề biên giới mềm, quyền lực mềm, vấn đề an ninh không gian mạng….đòi hỏi cần có sự ứng phó chủ động và kiểm soát tốt để đảm bảo chủ quyền và an ninh cho người dân, đất nước.

Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 – Industry 4.0 summit 2018 là sự kiện lớn do Ban Kinh tế Trung ương và Ban cán sự Đảng Chính phủ, Văn phòng Chính phủ cùng các Bộ ngành và địa phương lớn phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 12-13/7/2018. Sự kiện có sự tham gia và phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Cũng trong sự kiện này còn có Triển lãm quốc tế về CMCN 4.0 với gần 50 gian hàng. Triển lãm quy tụ sự tham gia của các tập đoàn công nghệ hàng đầu với những giải pháp công nghệ hiện đại như: Hệ thống sản xuất tích hợp CIM, nhà máy thông minh, năng lượng tái tạo, công nghệ blockchain, Fintech… Một điểm nhấn khác nữa là Triển lãm còn có sự xuất hện của Sophia – người máy robot đầu tiên được cấp quyền công dân trên thế giới…

Chuyên đề