5 giải pháp tận dụng cơ hội từ kinh tế chia sẻ

(BĐT) - Kinh tế chia sẻ (KTCS) không chỉ tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số, mà còn giúp thị trường cạnh tranh hơn, mở ra cơ hội đầu tư, tiết giảm chi phí… 
Lúng túng trong cách thức quản lý mô hình mang tính chất kinh tế chia sẻ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia cung cấp dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên
Lúng túng trong cách thức quản lý mô hình mang tính chất kinh tế chia sẻ làm ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia cung cấp dịch vụ. Ảnh: Lê Tiên

Tại Việt Nam, KTCS mới phát triển nhưng có tốc độ rất nhanh, mang lại nhiều lợi ích, song còn nhiều nội dung cần được chú ý để tạo cơ hội phát triển đất nước.

Cơ hội cho phát triển

Thông tin tại Hội thảo “Kinh tế chia sẻ: Các xu thế lớn và tác động tới nền kinh tế Việt Nam” do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức ngày 12/7 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Vũ Đại Thắng cho biết, tại Việt Nam, KTCS tuy xuất hiện muộn nhưng phát triển khá mạnh mẽ, được chấp thuận và trở nên quen thuộc với người dân như các ứng dụng Uber, Grab… Từ việc “nhập khẩu” KTCS, đến nay, các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam đã phát triển một số sản phẩm của mình trong các lĩnh vực du lịch, giao thông…, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, qua những đánh giá ban đầu, KTCS mang lại nhiều lợi ích. Trong bối cảnh mô hình tăng trưởng truyền thống không còn nhiều dư địa, KTCS - với ý nghĩa tích cực và tiềm năng rất lớn của nó - được kỳ vọng sẽ là một trong những chìa khóa để tận dụng, phát huy những thành tựu khoa học công nghệ, trở thành nhân tố động lực mới góp phần thúc đẩy tăng trưởng nhanh và phát triển bền vững.

Đề cập rõ hơn về cơ hội cho Việt Nam, bà Nguyễn Thị Tuệ Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, KTCS giúp tạo ra một phương thức kinh doanh mới, mở ra cơ hội kinh doanh mới dựa trên nền tảng số; thị trường cạnh tranh hơn và loại hình dịch vụ đa dạng hơn, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Đồng thời, KTCS mở ra cơ hội đầu tư, tạo việc làm cho người lao động, tăng thêm thu nhập; tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường; giảm các chi phí giao dịch trong hoạt động kinh doanh. Mặt khác, KTCS thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; tạo cơ hội, áp lực cải cách bộ máy hành chính theo hướng chính phủ số, thúc đẩy cải cách thể chế.

Bà Rebecca Bryan, Đại biện lâm thời Đại sứ quán Australia tại Việt Nam nhận xét, hiện Việt Nam được xem là có điều kiện phù hợp để đẩy mạnh phát triển KTCS khi có hàng triệu người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh. Đổi mới công nghệ ở Việt Nam dù ở giai đoạn đầu nhưng đầy hứa hẹn. 

Thúc đẩy sự phát triển của kinh tế chia sẻ là mục tiêu tối thượng

Cơ hội là khá lớn, song theo Thứ trưởng Vũ Đại Thắng, chủ yếu KTCS tại Việt Nam mang tính tự phát, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia cung cấp dịch vụ. Cơ quan nhà nước còn lúng túng trong xác định bản chất và cách thức quản lý mô hình mang tính chất KTCS. Hệ thống pháp luật về DN, đầu tư, thuế hiện khó hoặc không thể can thiệp và thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với sản phẩm của KTCS.

Bà Tuệ Anh nói thêm, thách thức với mô hình KTCS khá nhiều. Chẳng hạn như vấn đề hợp đồng, trước đây, chúng ta chỉ có hợp đồng hai bên nhưng nay có thêm bên thứ ba - công ty nền tảng là vấn đề mới, chưa biết sẽ ứng xử ra sao. Trong vấn đề thanh toán buộc phải phát triển công nghệ số. Đặc biệt là thách thức trong quản lý nhà nước, bởi KTCS không theo phương thức truyền thống nên khó kiểm soát, đặc biệt là các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước của các bên khi công ty đa quốc gia không ở Việt Nam.

Để phát huy tiềm năng của KTCS, đại diện CIEM đưa ra 5 khuyến nghị lớn. Đầu tiên là cần tận dụng cơ hội cho phát triển kinh tế - xã hội mà KTCS mang lại, coi đó cũng là tận dụng cơ hội của cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Hai là, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh nhằm thích nghi với sự đa dạng và phát triển nhanh của nền kinh tế số, trong đó KTCS chỉ là một dạng mô hình kinh doanh mới ở một số lĩnh vực, tồn tại đồng hành cùng mô hình kinh doanh truyền thống; bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các start-up.

Ba là, cần nhanh chóng cải thiện hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, tạo thuận lợi cho việc mở rộng phạm vi các sáng kiến kinh doanh, đào tạo nhân lực, kết nối giữa các bên tham gia hệ sinh thái, thu hút vốn đầu tư mạo hiểm… Bốn là, đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử và kết cấu hạ tầng số, đặc biệt là xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thông suốt để phục vụ quản lý nhà nước đối với KTCS.

Cuối cùng là tăng hoạt động đánh giá tác động của KTCS đến các mục tiêu phát triển (đầu tư, việc làm, công nghệ, thuế, cạnh tranh...) và dự báo sự phát triển của các lĩnh vực có tiềm năng cho mô hình KTCS để chủ động điều chỉnh linh hoạt chính sách, quy định.

Nhằm khai thác hiệu quả mô hình KTCS, Bộ KH&ĐT được Chính phủ giao xây dựng Đề án mô hình KTCS nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với mô hình này. Thứ trưởng Vũ Đại Thắng khẳng định, Đề án không chỉ nhằm quản lý nhà nước đối với các hoạt động KTCS, mà còn nhằm mục tiêu tối thượng là thúc đẩy sự phát triển của KTCS cũng như các mô hình kinh tế dựa trên các nền tảng khác, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Chuyên đề