5 đổi mới đột phá trong Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019

(BĐT) - Ông Phạm Quang Vinh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên thường trực Ban chỉ đạo Tổng điều tra Dân số và nhà ở Trung ương cho biết, sẽ có 5 đổi mới quan trọng trong thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Đáng chú ý, Tổng cục Thống kê đề xuất, không thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2029.
 
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ cải tiến cả về phương pháp và hình thức thu thập thông tin
Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 sẽ cải tiến cả về phương pháp và hình thức thu thập thông tin

Tổng điều tra Dân số và nhà ở năm 2019 (TĐTDS 2019) được tiến hành trên quy mô toàn quốc, nhằm thu thập thông tin về dân số và nhà ở cả nước, đáp ứng yêu cầu thông tin về dân số và nhà ở, phục vụ đánh giá kết quả thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020; xây dựng chiến lược và các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 – 2030; giám sát các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu mà chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Kết quả sơ bộ của Tổng điều tra sẽ được công bố vào tháng 7/2019; kết quả điều tra mẫu vào quý IV/2019; kết quả điều tra toàn bộ vào quý II/2020; các báo cáo phân tích chuyên đề vào quý IV/2020.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, nguồn hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế dần cắt giảm, trong khi nhu cầu thông tin về dân số ngày càng cao, ông Phạm Quang Vinh khẳng định, 5 đổi mới quan trọng, mang tính đột phá sẽ được thiết kế để thực hiện TĐTDS 2019.

Một là, TĐTDS 2019 đã cải tiến cả về phương pháp và hình thức thu thập thông tin. So với TĐTDS 2009 chỉ sử dụng phương pháp điều tra trực tiếp, TĐTDS 2019 áp dụng cả hai phương pháp là điều tra trực tiếp và điều tra gián tiếp (hộ dân cư tự cung cấp thông tin về dân số và nhà ở thông qua phiếu điều tra trực tuyến). Về hình thức thu thập thông tin, TĐTDS 2019 áp dụng thêm hai hình thức thu thập thông tin mới: Điều tra bằng phiếu điện tử trên thiết bị di động (còn gọi là CAPI) và điều tra bằng phiếu trực tuyến sử dụng internet (còn gọi là Webform).

Hai là, nhằm đảm bảo tính đại diện đến cấp huyện và tiết kiệm kinh phí, TĐTDS 2019 áp dụng phương pháp chọn mẫu phân tầng 2 giai đoạn. Theo đó, TĐTDS 2019 sẽ thu thập các thông tin chuyên sâu về dân số, nhân khẩu học và nhà ở thông qua điều tra mẫu nhằm đảm bảo tính đại diện của các chỉ tiêu đến cấp huyện, đồng thời giảm tải khối lượng công việc và tiết kiệm kinh phí Tổng điều tra.

Ba là, lồng ghép thông tin đáp ứng các chỉ tiêu phát triển bền vững. TĐTDS 2019 sẽ cung cấp thông tin phục vụ tính toán và đánh giá khoảng 10% các chỉ tiêu SDGs của Việt Nam.

Bốn là, cải tiến quy trình vẽ sơ đồ nền xã/phường và phân chia địa bàn điều tra để giảm kinh phí thực hiện TĐT.

Năm là, không thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2029.

Ông Phạm Quang Vinh lý giải, thông tin về dân số từ Tổng điều tra hiện nay chỉ được cung cấp 10 năm một lần. Trong khi đó, tại Việt Nam, hiện có nhiều nguồn dữ liệu sẵn có liên quan đến dân số như dữ liệu từ hệ thống thống kê hộ tịch của Bộ Tư pháp, hệ thống thống kê hành chính của ngành công an và ngành y tế.

“Do đó, nhằm cải thiện tính kịp thời của thông tin về dân số cũng như nâng cao hiệu quả sử dụng dữ liệu sẵn có, giảm gánh nặng tài chính cho ngân sách nhà nước và tận dụng tối đa các lợi thế của công nghệ thông tin, TĐTDS 2019 được kì vọng sẽ là căn cứ để cập nhật đầy đủ thông tin về dân số, từ đó đề xuất nâng cao chất lượng thông tin của hệ thống báo cáo hành chính để tiến tới không thực hiện Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2029” - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết.

Chuyên đề