4 điểm mới trong Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà chia sẻ 4 điểm mới nổi bật tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 tổ chức ngày 29/4 tới đây.
Họp báo Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 được tổ chức sáng 22/4 (Ảnh: Thu Trang)
Họp báo Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 được tổ chức sáng 22/4 (Ảnh: Thu Trang)

Sáng nay (22/4), Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo giới thiệu về cuộc gặp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng doanh nghiệp.

Theo đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã quyết định tổ chức hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 với tên gọi "Doanh nghiệp Việt Nam động lực phát triển kinh tế đất nước" vào ngày 29/4 tới đây tại TP. HCM.

Thông qua Hội nghị, Thủ tướng, Chính phủ muốn gửi đến thông điệp doanh nghiệp (DN) sẽ là động lực phát triển kinh tế Chính phủ, tạo thuận lợi lớn nhất cho phát triển kinh doanh, tạo môi trường cho DN kinh doanh và giải quyết khó khăn vướng mắc.

Nội dung của Hội nghị đối thoại này sẽ là đưa ra các giải pháp xây dựng thể chế nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN, xác định rào cản do cơ chế chính sách và có biện pháp khắc phục. Ngoài ra, Hội nghị cũng sẽ giải quyết tất cả các kiến nghị khó khăn của DN trong sản xuất kinh doanh, trong đó tập trung vào vấn đề thực thi như nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN, tạo nên những rào cản do chính sách do bộ máy chính quyền gây nên.

Theo ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 lần này sẽ có 4 điểm mới, đó là: Thứ nhất, Hội nghị lần này sẽ tổ chức trực tiếp tại hội trường Thống Nhất với hơn 500 đại biểu tham dự và trực tuyến tại 62 điểm cầu tại 62 tỉnh thành còn lại trên khắp cả nước. Tham dự sự kiện này sẽ có 300 doanh nghiệp dân doanh; các doanh nghiệp FDI và các hiệp hội gồm 50 đại biểu; DN cổ phần hóa và DNNN có khoảng 20 đại biểu và thành phần HTX có khoảng 10 đơn vị. Ông Hà cho rằng, qua tỷ lệ tham gia của các DN, sẽ tập trung là hướng về các doanh nghiệp tư nhân, DN vừa và nhỏ sẽ là số lượng chính.

Thứ hai, sau khi hội nghị kết thúc, Thủ tướng sẽ họp với các bộ và địa phương để giải quyết các kiến nghị chưa được giải quyết trước hội nghị và sau hội nghị. Ngoài việc hiến kế hay giải quyết các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết Chuyên đề về doanh nghiệp với tên gọi: “Nghị quyết về hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trở thành động lực phát triển kinh tế của đất nước”. Nghị quyết này sẽ được trình Chính phủ thảo luận vào phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 4/2016.

Thứ ba, tại hội nghị lần này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chứng kiến Chủ tịch UBND TP. Hà Nội và Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh ký cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp trên địa bàn. Đây cũng là 2 địa phương có số lượng doanh nghiệp chiếm đa số trong cả nước.

Điểm đặc biệt của Hội nghị này là giấy mời được gửi đến cộng đồng các doanh nghiệp của hội nghị lần này là do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đích thân mời chứ không phải là Văn phòng Chính phủ hay VCCI.

Với quan điểm Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp năm 2016 mang ý nghĩa như một Hội nghị Diên Hồng để  tìm những biện pháp thúc đẩy doanh nghiệp, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc đã kêu gọi doanh nghiệp cả nước hiến kế cho Chính phủ để phát triển doanh nghiệp.

"Tôi mong đây là sự kiện toàn dân, mong Thủ tướng cho phép VCCI kêu gọi ý kiến DN để tập hợp về, cả động đồng DN hiến kế thì đó là điều rất tốt", Chủ tịch VCCI khuyến nghị.

Chuyên đề