2016 - năm bứt phá của doanh nghiệp

(BĐT) - Năm 2016 là năm mở đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, một dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của đất nước, năm tạo đà cho sự phát triển của nền kinh tế trước bối cảnh hội nhập sâu rộng.
6 tháng cuối năm 2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 50 - 60%. Ảnh: NC
6 tháng cuối năm 2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 50 - 60%. Ảnh: NC

Chia sẻ với Báo Đấu thầu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh có những đánh giá tích cực về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2016, đồng thời ông cũng bày tỏ những trăn trở, tâm huyết về đòi hỏi cần phải xây dựng một lực lượng doanh nghiệp đủ mạnh để phát triển bền vững.

Triển vọng sáng cho kinh tế Việt Nam năm 2016

Cách đây 2 năm, khi đưa ra dự báo về triển vọng kinh tế Việt Nam trong năm 2014 và 2015, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh bày tỏ mong muốn trong 2 năm này, chúng ta sẽ chuẩn bị được nền tảng cho đổi mới, bởi theo ông, nếu không đổi mới sẽ rất khó khăn, vì nền kinh tế không thể tăng trưởng mạnh với cơ cấu hiện thời.

Khẳng định đổi mới là đòi hỏi mang tính bắt buộc, ngay tại thời điểm đó Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã đưa thông điệp mạnh mẽ: “Việt Nam vẫn còn dư địa để tạo ra tăng trưởng. Hãy cứ làm theo những gì thế giới đã làm. Chúng ta phải đổi mới thể chế kinh tế. Phải lấy thị trường điều tiết toàn bộ hoạt động kinh tế. Nếu không tạo được môi trường tốt trong 2 - 3 năm tới thì sẽ không thể tạo ra được bước chuyển trong tăng trưởng”.

Trên thực tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì soạn thảo và tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững trên 3 trụ cột: tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Mặc dù tái cơ cấu nền kinh tế còn nhiều việc phải làm, nhưng kết quả ban đầu là hết sức tích cực. Mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô theo nhận định của nhiều chuyên gia là cơ bản đã được hiện thực.

Tại Diễn đàn Đối tác phát triển Việt Nam 2015 được tổ chức đầu tháng 12 tại Hà Nội – một diễn đàn lớn luôn thu hút sự tham gia và quan tâm đặc biệt của đông đảo chính khách và các nhà tài trợ cho Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa đánh giá: “Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm vừa qua đã đề ra phương hướng  chung cho Việt Nam, khẳng định sự cần thiết phải tiến hành một cuộc đổi mới lần hai nhằm hoàn thành quá trình chuyển tiếp sang nền kinh tế thị trường của Việt Nam… Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong mỗi trụ cột chiến lược và đạt kết quả phát triển chung. Tốc độ tăng trưởng bình quân gần đạt 6% trong thời gian qua trong khi các nước trong khu vực đạt 5,6% làm cho quy mô nền kinh tế tăng gần gấp đôi, và hiện nay đạt khoảng 200 tỷ USD”.

fig come hereLàm thế nào để phát triển doanh nghiệp tư nhân là mối quan tâm lớn, không chỉ của tôi mà Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2020 phải nhấn mạnh điều này, phải đưa ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân trong 5 năm tới. Đó là mục tiêu lớn nhất của nhiệm kỳBộ trưởng
Bùi Quang Vinh

Đối với riêng năm 2015, năm quan trọng trong xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cho 5 năm, 10 năm tới, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định: “Năm 2015, chúng ta đã giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế đã đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra. Kết quả này có sự đóng góp mạnh mẽ của khu vực sản xuất công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo với mức tăng trưởng ổn định trong 3 năm liên tiếp vừa qua”.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, năm 2016 là năm mở đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020. Sau 3 năm có những thăng trầm, xáo động trong kinh tế vĩ mô, nền kinh tế đã từng bước phục hồi, tăng trưởng đã từng bước ổn định. Năm 2014 đạt được tăng trưởng 5,98%, năm 2015 tăng trưởng 6,68%, đạt cao hơn mục tiêu kế hoạch đề ra.

Sự ổn định của kinh tế vĩ mô trong 2 năm vừa qua đã tạo điều kiện để có các phục hồi sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là hoạt động của doanh nghiệp nhỏ và vừa. Số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động giải thể trong năm 2015 đã giảm dần, số lượng doanh nghiệp mới với những hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt hơn, hiệu quả hơn ngày càng tăng lên. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động trước đây đã quay trở lại thị trường. Đa số các doanh nghiệp này là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là lực lượng đóng góp rất nhiều cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm mới cho người lao động trong năm 2016.

Rất nhiều lần tại nhiều diễn đàn, nhiều cuộc đối thoại với doanh nghiệp và trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã khẳng định: “Một đất nước muốn tự chủ về kinh tế thì doanh nghiệp nước đó phải phát triển. Muốn vậy phải tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp làm ăn, kinh doanh”.

Quyết tâm hiện thực cam kết này, trong 2 năm qua, với quan điểm một đất nước muốn mạnh thì khu vực doanh nghiệp phải phát triển, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã chủ trì sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư. Kể từ khi 2 luật này có hiệu lực từ 1/7/2015, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng lên rất mạnh (tăng 50 - 60% so với giai đoạn trước). Theo nhận định của ông thì từ nay, doanh nghiệp sẽ được kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm, thay vì chỉ được làm những gì luật cho phép như trước; và theo ông, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng mạnh trong năm 2015 là tín hiệu đáng mừng cho kinh tế của Việt Nam, là bức tranh với gam màu sáng cần được ghi nhận, báo hiệu những triển vọng tốt đẹp cho năm 2016.

Cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho Việt Nam trong năm 2015 cũng đã có bước chuyển biến rõ rệt. Chúng ta đã thực hiện tốt hơn, quyết liệt hơn Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy việc thực hiện mới chỉ trên khung khổ giấy tờ là chính, nhưng theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, điều quan trọng nhất là nó đang tạo ra những áp lực hiệu quả buộc các cấp dưới phải thực hiện. Khi môi trường đầu tư, kinh doanh tốt, thu hút đầu tư nước ngoài và thu hút đầu tư trong nước của Việt Nam sẽ tăng lên. Đây cũng sẽ là một trong những nguyên nhân tạo tiền đề cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016. Ông dự báo, năm 2016, kinh tế Việt Nam vẫn trên đà tăng trưởng và đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% như kế hoạch đã đề ra. 

Phải xây dựng lực lượng doanh nghiệp mạnh

Một nền kinh tế không có lực lượng doanh nghiệp mạnh thì không thể là nền kinh tế mạnh, càng không phải là nền kinh tế tự chủ. Đây vẫn luôn là trăn trở lớn nhất của vị “Tư lệnh” ngành kế hoạch và đầu tư.

Theo ông, dù hành lang pháp lý đã được cải thiện, nhưng doanh nghiệp Việt Nam vẫn gặp rất nhiều khó khăn. Trăn trở với thực trạng doanh nghiệp trong nước còn yếu, quy mô nhỏ, vẫn ăn xổi, vẫn làm dịch vụ rất nhiều, còn nền tảng sản xuất chính làm rất ít, Bộ trưởng Vinh cho rằng, Quốc hội và Chính phủ trong nhiệm kỳ 2016 - 2020 nên nhấn mạnh vào làm luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và trong kế hoạch 5 năm sắp tới phải có giải pháp để khu vực này phát triển.

“Chúng ta đã coi năm 2015 là năm của doanh nghiệp. Quốc hội, Chính phủ đã làm rất nhiều cho doanh nghiệp, từ cải cách hành chính, quyết liệt thực hiện cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đến ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Thực chất doanh nghiệp vừa và nhỏ là doanh nghiệp tư nhân. Cho nên, làm thế nào để phát triển doanh nghiệp tư nhân là mối quan tâm lớn, không chỉ của tôi mà Chính phủ, Quốc hội nhiệm kỳ 2016 - 2020 phải nhấn mạnh điều này, phải đưa ra mục tiêu phát triển doanh nghiệp tư nhân trong 5 năm tới. Đó là mục tiêu lớn nhất của nhiệm kỳ” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Vinh cho rằng, để xây dựng được lực lượng doanh nghiệp mạnh thì phải bắt đầu từ cải thiện năng suất lao động. Đây là vấn đề xuyên suốt và cốt tử nhất cho phát triển của mỗi quốc gia. Bởi khi xem xét về vấn đề tăng mức thu nhập bình quân đầu người của một quốc gia, thì năng suất lao động chính là động lực nền tảng và quan trọng nhất để đánh giá sự phát triển của quốc gia đó.

Điều đó cũng đồng nghĩa, Việt Nam muốn phát triển được, muốn hội nhập thành công thì phải nâng cao năng suất lao động quốc gia và chỉ có như vậy chúng ta mới có thể nâng cao sức cạnh tranh, hạ giá thành sản phẩm, tạo ra thu nhập, vượt qua bẫy thu nhập trung bình. Đây không chỉ là thách thức cho riêng năm 2016, mà là thách thức cho cả quá trình.

Trước thềm năm mới, bộc bạch với người viết, ông cho rằng: “Thách thức lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt là luật tốt nhưng người thực hiện không có cái tâm để triển khai, vì lợi ích cá nhân mà hành doanh nghiệp. Đây là tàn dư của bộ máy mà chúng ta vẫn nghĩ là quản lý. Trong bối cảnh đổi mới thể chế, chúng ta phải chuyển bộ máy từ việc hiểu mình là người quản lý, quản trị sang việc đi phục vụ, xóa bỏ tư duy quan hệ “xin - cho” và thay vào đó là tư duy mới về quan hệ bình đẳng giữa Nhà nước và doanh nghiệp”. Mặc dù vậy, theo ông, công cuộc cải cách này rất cam go và tốn nhiều thời gian, thậm chí có lẽ sẽ tiếp tục đặt áp lực lên nhiệm kỳ tới, bởi nguyên lý đơn giản là “không ai tự chặt chân mình, tự đổi mới mình rất khó”.

“Tôi không kỳ vọng năm 2016 tạo ra ngay được những đột phá lớn, nhưng chúng ta đang có lực đà tốt là Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Cơ hội này phải được tận dụng, vì nếu năm 2016 mà để cơ hội trôi qua, mọi thứ tiếp tục bình bình thì sẽ không có đà cho năm tiếp theo. Đây là vấn đề rất quan trọng của năm 2016 và nếu thực hiện được điều này thì đây sẽ là năm đột phá cho sự phát triển của doanh nghiệp”.

Chuyên đề