Thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Cần giải pháp mang tính cấp thiết

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) 10 tháng đầu năm 2022 đã giảm mạnh, chỉ đạt hơn 246,3 nghìn tỷ đồng, giảm gần 64,13% so với giá trị phát hành trong năm 2021. Cùng với đà suy giảm của dòng chảy vốn trước những diễn biến mới trên thị trường tài chính quốc tế và Việt Nam, các biện pháp mang tính cấp thiết và ngắn hạn để hướng tới sự ổn định trở lại và phát triển bền vững là cần thiết.
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinRatings trao đổi với Báo Đấu thầu bên lề Hội thảo Nhịp Đập kinh tế Việt Nam vừa được UNDP và Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội Quốc gia tổ chức.

Như ông vừa chia sẻ, một số rủi ro đã và đang bộc lộ trên thị trường TPDN, cụ thể là gì?

Đầu tiên, 95% TPDN phát hành tại Việt Nam thuộc về phát hành riêng lẻ, theo đó, nhà phát hành (các doanh nghiệp - DN) không phải tuân thủ quy định về xét duyệt hồ sơ hay công bố thông tin như phát hành đại chúng, nên thị trường rất thiếu thông tin, nhất là về sức khỏe tài chính của DN cũng như của sản phẩm chào bán. Khi một số DN có sai phạm trên thị trường TPDN bị phát hiện, nhiều nhà đầu tư rơi vào trạng thái hoang mang, mất niềm tin với kênh dẫn vốn này. Tâm lý bất an lan rộng trên thị trường tài chính, làm ảnh hưởng nhất định đến uy tín, hình ảnh về sức hấp dẫn của thị trường vốn Việt Nam.

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings

Ông Nguyễn Quang Thuân - Chủ tịch FiinRatings

Hiện tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân nắm giữ TPDN riêng lẻ là khá lớn, trong khi do mức độ minh bạch thông tin trên thị trường TPDN riêng lẻ rất yếu nên đã là yếu tố góp phần tạo nên vấn đề vừa qua. Mặc dù, việc thay đổi định nghĩa nhà đầu tư theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực đã tạo ra khó khăn nhất định trong việc tạo cầu cho TPDN riêng lẻ, nhưng tôi vẫn cho rằng điều này về dài hạn là cần thiết trong điều kiện của Việt Nam. Lý do là bởi sản phẩm trái phiếu theo thông lệ quốc tế đó là một sản phẩm của ngân hàng đầu tư chứ không thuần là sản phẩm của một ngân hàng thương mại như tiền gửi tiết kiệm hay chứng chỉ tiền gửi.

Cùng với những thay đổi trên thị trường tài chính như môi trường lãi suất cao đã khiến giá trị phát hành TPDN giảm rất mạnh trong tháng 10/2022, tính cả 10 tháng giảm trên 64% so với lượng phát hành của năm 2021. Điều này cũng đã tạo khó khăn cho hoạt động tái cấp vốn của doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh các đợt chào bán TPDN ra công chúng còn rất hạn chế, ngay cả với các tổ chức phát hành có lịch sử tín dụng tốt.

Rủi ro thứ hai là có thể ảnh hưởng chéo sang nợ vay nói chung do nhiều DN không chỉ có huy động trái phiếu mà cả vay tín dụng với ngân hàng và các nguồn vốn huy động khác như hợp đồng hợp tác kinh doanh. Khi một DN chậm thanh toán lãi và nợ gốc trái phiếu thì rủi ro ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng trong nền kinh tế sẽ tăng lên và thậm chí có thể ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế thật qua các quan hệ tín dụng thương mại giữa DN đó với các nhà cung cấp.

Hai rủi ro tiếp theo trong trung hạn, mặc dù mức độ theo chúng tôi đánh giá là chưa cao nhưng đáng chú ý, đó là ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào Việt Nam qua các kênh không chỉ vốn gián tiếp mà vốn đầu tư trực tiếp. Rộng hơn, có thể ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế nói chung trong các năm tới đây nếu chúng ta không “khu trú” và xử lý kịp thời những rủi ro đang xảy ra trên thị trường vốn hiện nay.

Nỗi lo của nhà đầu tư dồn vào khối DN bất động sản, nhưng theo thống kê của FiinRatings, giá trị trái phiếu bất động sản sẽ đáo hạn sau ngày 15/11 - 31/12/2022 chỉ có 21,85 nghìn tỷ đồng. Ông nhìn nhận như thế nào về khả năng trả nợ của tổ chức phát hành trong thời gian tới?

Trước sức ép thị trường và nhà đầu tư cá nhân, gần đây, một số DN đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu, đã góp phần giảm áp lực rủi ro nợ đáo hạn. Điều này là dấu hiệu tích cực trong ngắn hạn. Tuy nhiên, áp lực trả nợ tiếp tục gia tăng mạnh trong giai đoạn 2023 - 2024, nên việc khai thông và đảm bảo sự vận hành của thị trường vốn, trong đó có hoạt động huy động mới nên được xem như vấn đề cấp thiết. Đến hết tháng 10/2022, giá trị trái phiếu bất động sản đang lưu hành có quy mô khoảng 445 nghìn tỷ đồng. Nếu kênh phát hành TPDN vẫn khó khăn và nguồn vốn tín dụng chưa được nới, các kênh khác không hỗ trợ dòng tiền và đặc biệt lãi suất tiếp tục ở mức rất cao như hiện nay thì rủi ro sẽ tăng khá mạnh trong năm 2023 - 2024. Khi đó, sẽ có thể có nhiều hơn DN bế tắc thanh khoản và có thể dẫn đến vi phạm nghĩa vụ thanh toán nợ hoặc thậm chí vỡ nợ.

Tôi có nói vui với một số khách hàng là nhà đầu tư nước ngoài rằng nền kinh tế Việt Nam như cậu bé đang lớn, có chút bệnh nhưng không phải bệnh trọng gì cả. Việc xử lý bệnh là cần thiết, nhưng nên “khu trú” và xử lý đúng, bệnh ở giai đoạn 1, nếu dùng liệu pháp giai đoạn 3, giai đoạn 4 thì hại cơ thể. Ví dụ, hầu hết ngân hàng có sức khỏe tài chính ổn định, khác bối cảnh của cuộc khủng hoảng ngành này cách đây gần 14 năm. Nếu không tính “bank-bond” mà chỉ tính các TPDN phi ngân hàng trên quy mô tín dụng ngân hàng thì với hệ thống ngân hàng, vấn đề TPDN theo chúng tôi đó chủ yếu là do nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi niềm tin, chứ không phải do chất lượng tín dụng của ngân hàng. Theo đó, vấn đề phân loại và có biện pháp kịp thời của chính tổ chức phát hành và các thành viên thị trường là rất quan trọng cho sự phát triển ổn định của thị trường vốn cũng như nền kinh tế nói chung.

Vậy giải pháp để ổn định thị trường TPDN là gì, theo ông?

Theo tôi, cần có giải pháp cấp thiết để giải quyết vấn đề của TPDN hiện nay. Đầu tiên, trên cơ sở xem xét tổng thể về dòng chảy vốn trong nền kinh tế, cơ quan quản lý nên cân đối và xem xét nới lỏng tín dụng ở mức độ nào cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Với tín dụng bất động sản, tôi xin đề xuất ý tưởng về chương trình tín dụng nhà ở dành cho người mua nhà và bất động sản dưới dạng “kiểm soát tín dụng một chu kỳ”, tức là ngân hàng thực hiện giải ngân cho người mua nhà - người mua thanh toán cho chủ đầu tư - chủ đầu tư trả lại vốn tín dụng cho ngân hàng và toàn bộ chu trình này ngân hàng thực hiện kiểm soát dòng tiền hết. Vấn đề là các chủ đầu tư cũng cần cân nhắc giảm giá bán và ngân hàng cân nhắc hỗ trợ lãi suất tùy theo điểm tín dụng của người mua nhà.

Một giải pháp quan trọng khác là cần tạo điều kiện thuận lợi, bằng cách giảm các thủ tục hành chính hỗ trợ DN phát hành trái phiếu đại chúng. Hiện nay, kênh phát hành này có tỷ lệ quá hạn chế, chỉ chiếm khoảng 5% tổng số vốn các DN huy động qua công cụ trái phiếu.

Bên cạnh các giải pháp mang tính ngắn hạn hoặc cấp thiết, đâu là giải pháp cho thị trường TPDN nói riêng, thị trường vốn Việt Nam nói chung phát triển trong trung và dài hạn?

Giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là phải tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của các bên liên quan. Theo đó, quy chuẩn về thông tin trong đó có bản kê khai thông tin đối với chủ nợ nhất là khi bán trái phiếu cho nhà đầu tư cá nhân; quy trình bán trái phiếu, thực thi xếp hạng tín nhiệm, thiết lập mô hình đơn vị định giá trái phiếu… nên được hoàn thiện sớm nhất. Thứ hai, cần đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, giáo dục công chúng, các nhà đầu tư về thị trường vốn, bởi TPDN là một sản phẩm phức tạp, thậm chí với cả những người trong ngành tài chính. Nguồn lực tài chính trong dân rất lớn, nhưng để hạn chế rủi ro, nhất là rủi ro tâm lý lan truyền, hoạt động đầu tư cần phải dựa trên nền tảng minh bạch và mức độ hiểu biết thị trường.

Theo Nghị định số 65/2022/NĐ-CP, thị trường giao dịch TPDN riêng lẻ tập trung dự kiến sẽ ra mắt vào giữa năm 2023, nhằm tạo tính thanh khoản và tăng cường sự minh bạch trên thị trường. Trong trung và dài hạn, để thị trường phát triển hiệu quả, các biện pháp mở rộng cơ sở nhà đầu tư trong đó có việc điều chỉnh các hạn chế đầu tư vào TPDN của các nhà đầu tư định chế tham gia rộng rãi hơn trên thị trường trái phiếu. Cùng với đó, theo xu hướng quốc tế, kênh tín dụng xanh, trái phiếu xanh sẽ là một xu hướng rất lớn nhằm tận dụng nguồn vốn trong nước và quốc tế cho thị trường nợ. Việc hình thành bộ tiêu chuẩn và hệ thống phân loại trái phiếu xanh, tín dụng xanh cho các ngành nghề khác nhau và các ưu đãi khuyến khích công cụ này phát triển sẽ là một xu thế lớn về huy động vốn không chỉ trên thế giới mà tại Việt Nam.

Chuyên đề