Thị trường căn hộ TP.HCM: Hồi phục nhưng khó bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Sau khi gỡ bỏ giãn cách, các hoạt động kinh tế - xã hội đã từng bước quay trở lại nhịp sinh hoạt bình thường. Có thể nói, đến giữa tháng 5/2020, mọi hoạt động gần như đã trở lại như trước Tết Nguyên đán, trong đó nổi bật là hoạt động của thị trường bất động sản nhà ở TP.HCM. Tuy nhiên, giới kinh doanh bất động sản tại TP.HCM vẫn chưa hết lo lắng khi “tháng cô hồn” sắp đến.
Lũy kế đến cuối năm 2020, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM có thể đạt 15.000 - 20.000 căn, bằng khoảng 60 - 70% nguồn cung của năm 2019. Ảnh: Lê Tiên
Lũy kế đến cuối năm 2020, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM có thể đạt 15.000 - 20.000 căn, bằng khoảng 60 - 70% nguồn cung của năm 2019. Ảnh: Lê Tiên

Một báo cáo mới được công bố bởi DKRA Việt Nam cho thấy, riêng trong tháng 5/2020, thị trường căn hộ TP.HCM ghi nhận 8 dự án mở bán, gồm 2 dự án mới và 6 dự án đã mở bán trước đó, cung cấp cho thị trường khoảng 1.168 căn hộ, gấp 5,8 lần so với tháng trước đó. Lượng tiêu thụ đạt khoảng 851 căn, chiếm 72,9% nguồn cung, gấp 15,4 lần so với tháng 4. “Tuy nhiên, phần lớn là các đợt bán hàng tiếp theo của dự án trước đó với nguồn cung mở bán “nhỏ giọt”, thậm chí một số dự án chỉ mở bán 30 - 50 căn tại sàn. Điều này phản ánh tâm lý thận trọng của chủ đầu tư, đơn vị bán hàng trước bối cảnh thị trường biến động và khó đoán định như hiện nay”, DKRA nhận xét.

Xét về cơ cấu căn hộ, phân khúc căn hộ hạng A và B đang dẫn dắt thị trường, chiếm 86% tổng nguồn cung mới. Ngược lại, phân khúc căn hộ hạng C tiếp tục không có dự án mở bán. Riêng phân khúc căn hộ hạng sang ghi nhận nguồn cung 162 căn từ các dự án mở bán mới tại phố nhà giàu Quận 2. Tuy nhiên, dù đã nhận đặt chỗ từ cuối năm 2019, nhưng tỷ lệ tiêu thụ căn hộ hạng sang chỉ đạt khoảng hơn 50%.

Nguyên nhân sức hấp thụ của căn hộ hạng sang chưa cao là do người mua dần thiên về lựa chọn các bất động sản phục vụ nhu cầu ở thực với mức giá dưới 50 triệu đồng/m2. Tâm lý người mua căn hộ giai đoạn hậu giãn cách xã hội khá thận trọng với phân khúc cao cấp và hạng sang nhằm quản trị rủi ro trong bối cảnh thị trường vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay.

Mặc dù nhận định thị trường căn hộ trong tháng 5 đã có bước hồi phục đáng ghi nhận, theo DKRA, thị trường trong tháng 6/2020 được kỳ vọng sẽ tiếp nối đà hồi phục nhưng rất khó để bứt phá, trong khi ngưỡng thử thách tiếp theo sẽ là tháng 7 âm lịch đang cận kề.

Trước đó, DKRA Việt Nam cũng dự báo nhiều thách thức với thị trường bất động sản TP.HCM. Theo đó, dự kiến, lũy kế đến cuối năm 2020, nguồn cung căn hộ tại TP.HCM có thể đạt 15.000 - 20.000 căn, bằng khoảng 60 - 70% nguồn cung của năm 2019. Đây là thách thức không hề nhỏ khi mà nguồn cung thấp, không đáp ứng được nhu cầu nhà ở.

Năm 2020, tăng trưởng kinh tế thế giới giảm mạnh và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ, sức mua bất động sản do đó sẽ giảm theo. Dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều khách mua quyết định tạm dừng, hoặc thay đổi kế hoạch mua bán, vì nguồn thu nhập bị ảnh hưởng và tâm lý thận trọng. Sản phẩm tiêu thụ quý I tập trung chủ yếu trong giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, đến nửa cuối tháng 3 thị trường không có phát sinh giao dịch. Tình hình có thể kéo dài đến hết quý II và đầu quý III/2020 vì “ngoại trừ những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính thì sức mua trong bất kỳ thời điểm nào đều cần có thời gian để tích lũy tài chính”, DKRA phân tích.

Nhận định về thị trường bất động sản trong giai đoạn tới, ông Đặng Hồng Anh, Phó Chủ tịch Tập đoàn TTC, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ cho rằng, hết năm nay thị trường sẽ khởi sắc nhưng giao dịch khá thấp vì hiện có nhiều kênh đầu tư tốt hơn. Người dân vẫn chờ bất động sản xuống giá.

Chuyên đề