Cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường bắt đầu căng thẳng từ tháng 3 |
Cuộc chiến trên từng phân khu
Thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay đang chia làm 4 phân khu cụ thể là khu Đông, khu Tây, khu Nam và khu Bắc, trong đó tâm điểm vẫn là khu Đông, khu Nam và khu Tây. Đây là những phân khu có nhiều dự án mở bán nhất năm 2016 và bước vào năm 2017, nhiều doanh nghiệp có dự án tại các khu này đã bắt đầu tái khởi động mạnh mẽ để phát triển dự án mới.
Để làm điều này buộc các doanh nghiệp phải tạo ra độ phủ rộng rãi với khách hàng để họ biết đến dự án của mình, ngoài ra dự án phải có nhiều chính sách bán hàng tốt mang tính cạnh tranh với các doanh nghiệp cùng phân khu.
Đơn cử như tại khu Tây Bắc TP.HCM hiện đang có hai doanh nghiệp làm mưa làm gió là Công ty cổ phần Bất động sản Trần Anh Long An và Công ty cổ phần Bất động sản Cát Tường Đức Hòa. Cả hai doanh nghiệp này cùng phát triển dự án đất nền và nhà phố liền kề, cùng đưa ra những dự án lớn cùng thời điểm và gần vị trí nhau, chính vì vậy buộc hai đơn vị phải tạo ra cho mình những lợi thế về hoàn thiện hồ sơ pháp lý cho dự án, đãi ngộ khách hàng và chính sách bán hàng tốt để hút khách hàng tới với dự án. Một điều nữa mà các doanh nghiệp này phải nỗ lực, đó là làm sao cho càng nhiều người càng tốt biết đến dự án đang triển khai và mở bán. Vậy là một cuộc chạy đua truyền thông trên tất cả các trang báo, tới mạng xã hội được hai đơn vị này triển khai.
Ở khu Đông TP.HCM, cuộc chiến này còn khốc liệt hơn khi có quá nhiều doanh nghiệp đang triển khai dự án tại đây như Công ty Địa ốc Him Lam (Him Lam Land), Công ty Hưng Thịnh, Công ty Nova Land, Thuduc House, Khang Điền, Đất Xanh, Kepple… đều thông báo mở bán dự án vào tháng 3 và tháng 4 khiến cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường khu này diễn ra rầm rộ trên mặt báo, cột điện, các trang mạng xã hội…
Để có thể đưa ra được chính sách bán hàng lợi thế hơn các đơn vị khác, các chủ đầu tư phải nghiên cứu kỹ về các dự án đang triển khai trong cùng khu, tiến độ, giá bán, số lượng căn hộ, chích sách bán hàng… rồi đưa ra chính sách mới phù hợp hơn khi công bố ra thị trường.
Nhưng theo các chuyên gia bất động sản, để chiếm lĩnh được thị trường, thời dội bom khách hàng bằng tin nhắn và mạng xã hội đã qua. Người tiêu dùng hiện nay ngày càng kỹ tính, nếu bị làm phiền quá nhiều trên các phương tiện truyền thông không chính thống có khi còn khiến họ ác cảm về dự án.
“Trước đây, doanh nghiệp và các sàn môi giới thường dùng sim điện thoại rác nhắn tin giới thiệu dự án cho khách hàng nhưng nay chính sách quản lý chặt sim rác của Bộ Thông tin - Truyền thông khiến các doanh nghiệp không thể thực hiện chiến lược này, mà phải tăng cường cách tiếp cận chính thống hơn để để khách hàng biết tới dự án chuẩn bị mở bán”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nhận định.
Theo tìm hiểu của phóng viên Đầu tư Bất động sản, cách tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp địa ốc, đặc biệt là doanh nghiệp lớn hiện nay khá bài bản. Đơn cử như Công ty Bất động sản Cát Tường Đức Hòa với hướng tiếp cận khách hàng để chuẩn bị cho đợt mở bán thứ 6 dự án Cát Tường Phú Sinh tại khu Tây Bắc TP.HCM.
Để tiếp cận khách hàng, ngoài chạy truyền thông trên báo chí, băng rôn tại các tuyến đường trong khu vực, đơn vị này còn chạy trên các trang mạng xã hội như Facebook, zalo, youtube… Đây được coi là phương thức tiếp cận khách hàng tốt nhất thay cho việc nhắn tin quảng cáo trên SMS điện thoại.
Số tiền bỏ ra cho các chương trình quảng cáo dự án là không lớn, đơn cử như dự án Centana Thủ Thiêm tại quận 2, để quảng cáo dự án tới khách hàng, đơn vị này đã phải bỏ ra số tiền trên 10 tỷ đồng chi phí truyền thông.
Cuộc chiến chiếm lĩnh thị trường càng trở nên căng thẳng trong những tháng đầu năm 2017 khi có rất nhiều dự án cùng thông báo mở bán, đặc biệt các dự án này đều chung một phân khúc nhà ở tầm trung với giá từ 1,2 - 2 tỷ đồng/căn.
Tổng giám đốc một công ty địa ốc lớn tại TP.HCM cho biết, đã qua rồi thời cứ tuần tự chuẩn bị xong hồ sơ, xây xong móng là nghiễm nhiên mở bán và có khách hàng. Bây giờ, trước khi giới thiệu dự án, các chủ đầu tư phải nghiên cứu thị trường thật kỹ.
Đơn cử như với một dự án chuẩn bị mở bán tại khu Đông, công ty ông phải nghiên cứu thị trường xem khu Đông hiện có bao nhiêu dự án đang bán, tiến độ, giá cả những dự án này thế nào và thời gian tới sẽ có dự án nào mở bán nữa hay không. Sau đó, nghiên cứu tới việc chính sách bán hàng, tiếp cận khách hàng của các công ty để rồi lên phương án truyền thông và tiếp cận khách hàng của công ty mình.
“Đây là khâu rất quan trọng, dự án có bán được hay không cũng nhờ vào khâu này. Đặc biệt, tháng 3 là thời điểm thị trường chính thức hoạt động sau những động thái thăm dò và không khí vui Xuân trước đó.
Các sàn bất động sản bắt đầu mở bán trở lại, dự án mới cũng bắt đầu được các chủ đầu tư ra hàng, nên cuộc chiến cạnh tranh của các doanh nghiệp địa ốc trong thời điểm này hết sức khốc liệt. Ngoài ra, chính sách siết chặt quảng cáo mà Nhà nước đưa ra đang làm cho doanh nghiệp địa ốc phải căng đầu tìm hướng truyền thông khi không còn được quảng cáo trên SMS điện thoại, cột điện bờ tường…
Các chủ đầu tư và sàn môi giới đang nghĩ ra đủ cách, từ nhắm vào công nghệ, mạng xã hội và thậm chí là cả thuê đội người mẫu đi xe đạp, xe máy trên các tuyến đường khắp thành phố quảng cáo cho dự án, miễn là khách hàng có thể điểm mặt chỉ tên”, vị tổng giám đốc giấu tên nói.
Tháng 3 bắt đầu vào guồng
Đánh giá về cuộc chiến giành khách, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, việc các doanh nghiệp cạnh tranh nhau chiếm thị trường sẽ có hai mặt. Điểm lợi lớn nhất mà người dân nhận được đó là các chủ đầu tư sẽ cạnh tranh nhau dẫn đến giá giảm, chính sách bán hàng, chính sách hậu mãi và tín dụng đưa ra tốt hơn cho khách hàng mua nhà.
“Tuy nhiên, khách hàng sẽ có những cái mất, đó là chi phí truyền thông dự án, tạo độ phủ rộng rãi mà chủ đầu tư đưa ra để khách hàng biết tới dự án thì cuối cùng khách hàng sẽ là người chịu. Bởi thường chủ đầu tư sẽ bỏ ra khoảng 1% giá trị căn hộ bán để làm truyền thông, nhưng hiện nay số tiền sử dụng cho mục đích này sẽ còn cao hơn và cuối cùng khách mua nhà sẽ phải trả vào giá bán”, ông Châu nói.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Hà, Giám đốc Công ty Truyền thông N&M cho biết, những hợp đồng truyền thông dự án luôn được chủ đầu tư tính toán trên chính căn hộ mà họ bán ra. Nếu dự án lớn, cần truyền thông nhiều thì họ sẽ trích 1,5% tổng giá trị căn hộ, nếu dự án nhỏ thì là 0,5%.
Về diễn biến thị trường, ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bất động sản Asian Holdings cho biết, những tháng đầu năm 2017 thị trường bất động sản ở TP.HCM có thanh khoản khá tốt. Lượng giao dịch tại nhiều sàn rất khả quan bởi các chủ đầu tư làm rất tốt việc thuyền thông dự án.
“Sau hai tháng đầu năm còn dư âm của nghỉ Tết, chơi Xuân, từ tháng 3 trở đi thị trường sẽ vào guồng quay thực sự. Đồng thời, các chính sách phát triển thị trường, chính sách tín dụng cũng đã được định hình rõ ràng hơn. Dự kiến, chỉ một thời gian ngắn nữa, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu đi vào ổn định vì các chính sách cụ thể và dự án được các chủ đầu tư đưa ra sẽ tạo nên một cuộc đua hấp dẫn cả về giá lẫn dịch vụ hậu mãi cho khách hàng. Thị trường 2017 sẽ tiếp tục sôi động và quyền chủ động vẫn thuộc về người mua”, ông Hậu nói.