Thị trường bất động sản: Nhà đầu tư thứ cấp sẽ bớt "lộng hành"

Việc nhà đầu tư thứ cấp rầm rộ gom căn hộ dự án đã khiến người mua nhà ở thực là người chịu thiệt. Nhận thức được điều này, các chủ đầu tư đã có những biện pháp thiết thực, để kìm hãm nhà đầu tư thứ cấp “lộng hành” .
Các công ty địa ốc đưa ra những chính sách không khuyến khích bán hàng cho các nhà đầu tư thứ cấp
Các công ty địa ốc đưa ra những chính sách không khuyến khích bán hàng cho các nhà đầu tư thứ cấp

Thị trường bất động sản năm 2017 đã bắt đầu “nóng” lên, khi các chủ đầu tư rầm rộ triển khai mở bán những dự án mới như: HimLam Land, NovaLand, Hung Thịnh, Vietcomreal, Sacomreal, Đất Xanh… Đây cũng chính là lúc những nhà đầu tư thứ cấp thực hiện chiêu “nhập xác”, đó là đổ bộ đặt cọc giữ chỗ để có được những căn hộ với diện tích, vị trí đẹp nhất tại dự án.

Ông Nguyễn Thành Luân, một nhà đầu tư thứ cấp tại TP.HCM cho biết, sau khi thị trường bất động sản hồi phục, cũng là lúc các nhà đầu tư thứ cấp trong lĩnh vực bất động sản “vào cuộc”. “Chúng tôi chọn những dự án giá rẻ, diện tích căn hộ nhỏ, vị trí tốt, sau đó đặt cọc giữ chỗ để đầu tư. Khi chủ đầu tư bắt đầu ra hợp đồng, thì cũng là lúc chúng tôi chào bán lại căn hộ đã đặt cọc. Tuy năm 2016, các chủ đầu tư siết số lượng căn hộ bán ra cho người mua, mỗi khách hàng chỉ được mua cao nhất 2 tới 3 căn, nên có khi phải mượn chứng minh nhân dân của người thân để đứng tên mua”, ông Luân nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên, mỗi căn hộ khi đến tay người thực mua thường bị chênh từ 5% tới 10%, do những nhà đầu tư thứ cấp đã đẩy giá lên cao sau khi dự án hoàn thành.

Trước tình trạng này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, thị trường TP.HCM đang gia tăng các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp, thiếu các nhà đầu cơ chuyên nghiệp, chính vì vậy, mối lo thị trường nhiễu loạn đang tăng cao. “Chúng tôi đã liên tục có văn bản cảnh báo vấn đề này với các chủ đầu tư, để có biện pháp siết chặt, tránh hiện tượng bong bóng bất động sản như đã từng xảy ra vào năm 2009”, ông Châu nói.

Nhận thức được việc đầu cơ này rất nguy hiểm cho dự án và cả thị trường, đã có những biện pháp được doanh nghiệp địa ốc đặt ra để kìm hãm nhà đầu tư thứ cấp “lộng hành”.

Việc xuất hiện những nhà đầu tư chuyên nghiệp khiến thị trường tốt hơn và không bị nhiễu đoạn bởi những nhà đầu tư thứ cấp.
Ông Ngô Quang Phúc, Phó tổng giám đốc  Công ty Cổ phần Địa ốc HimlamLand cho biết, năm 2017, để siết nhà đầu tư thứ cấp bủa vây dự án, ngoài hạn chế số lượng căn hộ bán ra cho mỗi khách hàng, Công ty cũng yêu cầu tiến độ thanh toán lần đầu cao, để nhà đầu tư thứ cấp khó đầu tư hơn, cũng như có lợi nhuận ít, khiến họ không muốn tham gia và bỏ cuộc. “Việc khách hàng phải trả tiền cho những nhà đầu tư thứ cấp, trong khi họ chỉ bỏ vài chục triệu để lấy lợi nhuận cả trăm triệu, là vô lý và thiệt thòi cho khách hàng ở thực”, ông Phúc nói.

Ngoài ra, các công ty cũng đưa ra những chính sách không khuyến khích bán cho nhà đầu tư thứ cấp, bằng việc liệt tên những người mua căn hộ nhiều tại các dự án vào danh sách cân nhắc khi bán. Thông tin khách hàng được công bố thẳng với các nhà phân phối sản phẩn và nhân viên bán hàng, để tránh nhà đầu tư thứ cấp ồ ạt “gom hàng”.

Bộ Tài chính cũng bắt đầu có những biện pháp mạnh đối với nhà đầu tư thứ cấp, đơn cử như năm 2016, đưa ra quyết định đánh thuế căn nhà thứ hai khi giao dịch. Hay Ngân hàng Nhà nước siết tín dụng đối với khách hàng vay vốn đầu tư bất động sản với chính sách tín dụng thận trọng, chặt chẽ, linh hoạt và không có hiện tượng buông lỏng tín dụng.

“Năm 2017, sẽ là năm hạn chế tối đa nhà đầu tư thứ cấp, bởi xuất phát từ nhận thức của chủ đầu tư, sự vào cuộc của nhà nước, sở, ban, ngành và ngay cả khách hàng mua nhà cũng đã thận trọng với nhà đầu tư thứ cấp. Bên cạnh đó, xuất hiện những nhà đầu tư chuyên nghiệp, thành lập công ty bài bản dẫn tới thị trường tốt hơn và không bị nhiễu đoạn bởi những nhà đầu tư thứ cấp theo dạng tin đồn”, ông Châu nói.

Với những tín hiệu siết chặt nhà đầu tư thứ cấp, thị trường bắt đầu có sự thanh lọc, nhiều nhà đầu tư thứ cấp bắt đầu gặp khó trước việc đầu tư vào dự án. Đơn cử tại Dự án Him Lam Phú An của Công ty địa ốc HimLam Land, sau đợt mở bán đầu tới đợt mở bán thứ 2, Công ty bắt đầu thông báo khách hàng đóng tiền 20% để ra hợp đồng và tỷ lệ chênh lệch giữa đợt mở bán trước và sau cũng thấp hơn 5%, khiến nhà đầu tư thứ cấp không có lời và phải rút lui khỏi dự án này. 

Chuyên đề