Thế giới 2021: Kỳ vọng phục hồi và bứt tốc

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Với việc một số loại vắc-xin Covid-19 đã được cấp phép khẩn cấp và cuộc đua sản xuất/phân phối vắc-xin bùng nổ trên toàn cầu, thế giới bước vào năm 2021 trong tâm thế nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đối diện những thách thức và kỳ vọng vào đà hồi phục và bứt tốc hậu đại dịch.
Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ sức bền ngay trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, chi tiêu dùng đã gần quay trở lại ngưỡng trước khi Covid-19 diễn ra
Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ sức bền ngay trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, chi tiêu dùng đã gần quay trở lại ngưỡng trước khi Covid-19 diễn ra

Chúng ta đang ở đâu?

Trong 1 năm qua, đại dịch Covid-19 đã thay đổi thế giới về mọi mặt. Thế giới vừa trải qua đại dịch tồi tệ nhất kể từ năm 1918, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu nặng nề nhất kể từ những năm 1930. Tại Mỹ và một số quốc gia châu Âu, tình hình dịch bệnh vẫn khó lường khi làn sóng thứ ba đang diễn ra.

Nhìn lại năm 2020, sau khi tụt dốc vào những tháng đầu năm, nền kinh tế toàn cầu, cũng như cuộc sống của một bộ phận dân cư đã bắt đầu hồi phục kể từ tháng 5 và đang duy trì xu hướng leo dốc.

Đánh giá vị trí của hiện tại để bước vào năm mới, có một số yếu tố cần tập trung. Thứ nhất, sau hàng loạt biện pháp giãn cách xã hội khắt khe, các yêu cầu phòng chống dịch ngặt nghèo (đeo khẩu trang, duy trì khoảng cách, hủy bỏ các sự kiện đông người…), bước đầu các quốc gia trên thế giới đã ghi nhận thành quả. Theo đó, dịch bệnh dần được kiểm soát, những tổn thất trong chuỗi hoạt động sản xuất, phân phối, cung ứng hàng hoá được giảm nhẹ…

Thứ hai, các chính sách tài khoá, tiền tệ mà nhiều quốc gia áp dụng đã phần nào phát huy tác dụng. Tại các nền kinh tế phát triển, nhiều gói hỗ trợ quy mô khủng được công bố, bao gồm các biện pháp như phát trực tiếp tiền mặt cho người dân, gia tăng phúc lợi cho đối tượng thất nghiệp, bình ổn giá tiêu dùng, cung cấp các khoản vay cho doanh nghiệp chịu tổn thương… Điều tương tự cũng diễn ra tại các nền kinh tế đang phát triển, dù nguồn lực có phần hạn chế hơn.

Thứ ba, các nhà khoa học đã phát triển nhiều phương pháp mới để chữa bệnh, nghiên cứu sản phẩm thuốc, vắc xin… từ đó mở ra những con đường nhanh chóng, hiệu quả hơn để bảo vệ sức khoẻ, tính mạng của con người trước đại dịch nói riêng và nhiều loại bệnh tật khác nói chung trong dài hạn. Điều quan trọng nhất hiện tại chính là các nhà nghiên cứu thực hiện khối lượng công việc lớn, sẵn sàng chia sẻ kiến thức về vắc-xin, đóng góp quan trọng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Điều này tạo nên bước nhảy vọt về khoa học, là dấu mốc đáng ghi nhận.

Thứ tư, không có gì phải bàn cãi khi nói rằng, ngay cả khi vắc-xin hiện hữu và phát huy tác dụng, trong thế giới hậu đại dịch, có những điều đã mãi mãi thay đổi. Sự thay đổi này tạo lực đẩy cho hàng loạt lĩnh vực mới như thương mại điện tử, xu hướng làm việc văn phòng, tiếp nhận công nghệ, tăng trưởng bền vững… Từ đó, toàn bộ chuỗi cung ứng hàng hoá dịch vụ trên toàn cầu phải xoay chuyển trong môi trường kinh doanh mới, xu hướng toàn cầu hoá phần nào cũng chịu tác động.

Kỳ vọng bứt tốc

Trong báo cáo triển vọng kinh tế 2021, các nhà kinh tế tại Morgan Stanley Research cho biết, nền kinh tế toàn cầu bắt đầu bước vào giai đoạn hồi phục theo nửa sau của hình chữ V. Xu hướng tăng có phần bền vững và nhiều khả năng đạt được mức tăng trưởng 6,4% trong năm 2021. Trong kịch bản xấu hơn, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đạt mức 5,4%.

Có 3 yếu tố chính trên sân khấu kinh tế năm 2021 để đảm bảo nhịp hồi phục hình chữ V, theo Morgan Stanley: nhịp điệu tăng trưởng hài hoà, các nền kinh tế mới nổi giữ vị trí tiên phong và sự quay trở lại của lạm phát.

Các nền kinh tế trên thế giới hiếm khi cùng chung nhịp bước. Thực tế, việc nền kinh tế phát triển và đang phát triển cùng chung nhịp phục hồi trong một năm chỉ xảy ra vài lần trong vòng 40 năm qua, mà lần gần nhất là vào năm 2017.

Trong năm 2021, sự kết hợp nhịp nhàng giữa các nền kinh tế đóng vai trò quan trọng trong đà phục hồi chung của kinh tế toàn cầu. Theo đó, các nền kinh tế mới nổi sẽ trở thành động lực tăng trưởng tích cực ngay từ đầu năm mới, nhờ việc đang kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh. Sau đó, trong nửa cuối năm 2021, các nền kinh tế phát triển mở cửa trở lại sau khi “đóng cửa” vào mùa đông - xuân, nối tiếp nhịp leo dốc.

“Tính tới khoảng tháng 3 - 4/2021, chúng tôi kỳ vọng mọi khu vực địa lý, mọi lĩnh vực kinh tế trên thế giới sẽ cùng hòa nhịp hồi phục”, Chetan Ahya, Chuyên gia kinh tế trưởng của Morgan Stanley dự báo.

Nền kinh tế Mỹ đã chứng tỏ sức bền ngay trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, chi tiêu dùng đã gần quay trở lại ngưỡng trước khi Covid-19 diễn ra, trong khi thu nhập cá nhân trung bình đã vượt qua ngưỡng trước đại dịch vào tháng 9/2020.

Trong khi đó, tại châu Âu, nhiều quốc gia phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội một lần nữa để đối phó với làn sóng lây nhiễm thứ ba. Morgan Stanley dự báo khu vực châu Âu sẽ tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2021, thấp hơn một chút so với các dự báo đưa ra trước đó, cũng như so với bước đi chung trên toàn cầu.

Với việc kiểm soát dịch hiệu quả hơn so với châu Âu, Mỹ, cũng như được hưởng lợi từ những động lực mới của thế giới hậu đại dịch, các quốc gia đang phát triển sẽ dẫn đầu nhịp phục hồi trên toàn cầu.

Các nền kinh tế như Hàn Quốc, Đài Loan hiện đã hồi phục khá tốt, dù hoạt động phụ thuộc nhiều vào giao thương quốc tế. Trong khi đó, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào nhu cầu nội tại như Ấn Độ, Brazil đã vượt qua được mức trước đại dịch, bắt đầu ghi nhận tăng trưởng dương trong năm 2020.

Mọi cuộc suy thoái đều để lại những “vết chàm” và cuộc suy thoái vì Covid-19 không là ngoại lệ. Theo đó, lạm phát sẽ quay trở lại.

Đại dịch khiến số lượng người thất nghiệp gia tăng chóng mặt, điều chưa từng diễn ra trong nhiều thế hệ. Các nhà hoạch định chính sách sẽ phải sử dụng nhiều biện pháp để tạo việc làm, đưa tỷ lệ thất nghiệp quay trở ngưỡng trước đại dịch nhanh nhất có thể, trong đó có các gói hỗ trợ, chương trình nới lỏng chính sách tiền tệ…

Trái ngược với thời kỳ trước khủng hoảng tài chính, cung tiền của các nước phát triển đã tăng vọt trong năm qua bởi các ngân hàng cho vay ồ ạt. Mắc kẹt trong nhà, người dân không thể tiêu tiền. Nhưng khi thế giới đã có vắc-xin và không còn phải họp hành qua Zoom, người tiêu dùng sẽ ồ ạt ra đường mua sắm bù - vượt quá khả năng hồi phục của các công ty, khiến cầu vượt quá cung, đẩy giá tăng lên.

Kể cả khi xác suất lạm phát tăng là rất nhỏ, đó cũng là điều cần phải lo lắng bởi khối lượng nợ quá lớn và bảng cân đối kế toán của các ngân hàng đang phình to.

Dù vậy, nếu lạm phát bắt đầu tăng trong năm 2021, đây vẫn là dấu hiệu cho thấy các nền kinh tế đang hồi phục sau đại dịch. Tại một số nền kinh tế như Nhật Bản, khu vực đồng Euro…, đây còn là niềm vui bởi đã thoát khỏi tình trạng giảm phát.

Chuyên đề