Thế giới 2019: Hành trình khó quên

(BĐT) - 2019 là chặng hành trình đầy cảm xúc với hàng loạt sự kiện bất ngờ. Cùng nhìn lại quãng đường đã qua với 10 sự kiện ấn tượng nhất.
Ông Boris Johnson ủng hộ Anh rời EU trong bài diễn thuyết mang tên “Bỏ phiếu rời đi” tại Selby (Anh) hôm 22/6, cố gắng tranh thủ những giờ phút cuối cùng trước thời điểm bỏ phiếu kết thúc để kêu gọi người dân
Ông Boris Johnson ủng hộ Anh rời EU trong bài diễn thuyết mang tên “Bỏ phiếu rời đi” tại Selby (Anh) hôm 22/6, cố gắng tranh thủ những giờ phút cuối cùng trước thời điểm bỏ phiếu kết thúc để kêu gọi người dân

Boris Johnson “định đoạt” Brexit

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 1

Việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, đã trở thành bóng mây u ám bao phủ bầu trời London nói riêng, cũng như các thị trường tài chính toàn cầu nói chung trong những năm qua. Vào cuối năm 2019, cuối cùng Brexit cũng bước thêm được một nấc thang mới khi thỏa thuận Brexit mà chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson ký kết với EU vào tháng 10/2019 đã được Hạ viện Anh khóa mới thông qua lần thứ nhất, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về Đại cương Dự luật Thỏa thuận rút lui.

Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit vào ngày 31/1/2020 mà ông Boris Johnson đưa ra trong chiến dịch tranh cử. Nếu tất cả diễn ra theo kế hoạch của Thủ tướng Johnson, Vương quốc Anh sẽ rời Liên minh châu Âu một cách hợp pháp vào ngày 31/1. Sau đó, các cuộc đàm phán thương mại giữa Anh và EU sẽ bắt đầu.

Vòng xoáy Washington

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 2

Năm 2019 bắt đầu với những đồn đoán về việc liệu báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller có đủ sức loại bỏ Tổng thống Mỹ Donald Trump ra khỏi Nhà Trắng và kết thúc bằng việc bỏ phiếu luận tội ông Trump. Kết quả là vào tháng 12/2019, ông Trump trở thành tổng thống thứ ba trong lịch sử nước Mỹ bị luận tội, sau Andrew Johnson (năm 1868) và Bill Clinton (năm 1998).

Kết quả bỏ phiếu ngày 18/12 cho thấy, Hạ viện chính thức thông qua 2 điểm luận tội ông Trump: lạm quyền và cản trở Quốc hội. Theo đó, phiên xét xử 2 điều khoản luận tội này sẽ được tiến hành tại Thượng viện, nơi Đảng Cộng hòa đang nắm đa số ghế. Cần ít nhất 2/3 số phiếu thuận để khiến ông Trump bị bãi nhiệm, nhưng khả năng này gần như không thể xảy ra.

Khủng hoảng biến đổi khí hậu

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 3

Những tác động của biến đổi khí hậu trở nên rõ ràng, nghiêm trọng đến mức khó có thể phủ nhận trong năm 2019: các vụ cháy rừng quy mô lớn chưa từng có tại rừng nhiệt đới Amazon, California và Australia; Nhật Bản đón nhận cơn bão lớn kỷ lục…

Greta Thunberg, một nhà hoạt động môi trường 16 tuổi đã có bài phát biểu đầy uy lực tại Hội nghị Hành động khí hậu của Liên hợp quốc, truyền tải thông điệp quyết liệt về việc phải hành động trước các mối nguy cơ hiện nay. Cô bé này đã được Tạp chí Time bình chọn danh hiệu “Person of the Year” (nhân vật của năm) và xuất hiện trên trang bìa ấn bản đặc biệt của Tạp chí Time.

Đáng chú ý, trong bối cảnh này, lãnh đạo một số quốc gia, nhất là Mỹ lại có hành động đi ngược xu hướng chung. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu rút ra khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, trong khi cộng đồng toàn cầu thất bại trong việc đạt được thỏa thuận mới về mức giao dịch carbon.

Các kỳ lân lao dốc

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 4

Đáng lẽ 2019 là năm các công ty khởi nghiệp được định giá ít nhất 1 tỷ USD (kỳ lân) sẽ xâm chiếm phố Wall, nhưng thực tế cho thấy, các thương vụ IPO của Uber, Lyft, Slack đều chỉ mang tới thất vọng, khi nhà đầu tư bị dội gáo nước lạnh vào những kỳ vọng trước đó.

Đặc biệt, WeWork, vốn được kỳ vọng sẽ trở thành thương vụ IPO lớn nhất 2019, hóa ra lại là một thảm họa. Hàng loạt scandal liên quan tới người sáng lập Adam Neumann, giá trị thật của Công ty bị bóc mẽ…, khiến việc IPO bị trì hoãn vô thời hạn.

Các ngân hàng trung ương vào cuộc

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 5

Với các ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu, 2019 là năm đảo ngược các chính sách tiền tệ. Sau khi nâng lãi suất năm 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã buộc phải hạ lãi suất 3 lần trong năm nay nhằm tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế Mỹ. Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi đưa ra tín hiệu sẽ nối lại các chương trình mua vào trái phiếu, trước khi chuyển giao vị trí cho bà Christine Lagarde.

Tại Nhật Bản, “quê nhà” của giảm phát kể từ năm 1990, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) tiếp tục in tiền, trong khi Ngân hàng trung ương Anh đón Thống đốc mới Andrew Bailey.

Tiếng chuông từ Hồng Kông

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 6

Hồng Kông - trung tâm tài chính ổn định của châu Á nói riêng và thị trường toàn cầu nói chung - bỗng biến thành tâm điểm của những cuộc xung đột hỗn độn trong năm 2019. Các cuộc biểu tình bùng phát từ tháng 6/2019 nhằm phản đối dự luật dẫn độ và ngày càng leo thang đã ảnh hưởng nặng nề tới hoạt động kinh tế - chính trị không chỉ tại thành phố này, mà còn tác động lan tỏa rộng rãi.

Tuy nhiên, Hồng Kông không phải nơi duy nhất đang biến động. Bolivia, Iraq, Lebanon, Chile và nhiều nền kinh tế khác cũng chao đảo trong các cuộc biểu tình, nội chiến, bất ổn chính trị...

Tham vọng của Aramco

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 7

Sau gần 40 năm dùng dằng, tới năm 2019, Ả Rập Xê Út đã quyết định bán cổ phần lần đầu ra công chúng đối với công ty dầu mỏ nhà nước Aramco trong tháng 12. Mặc dù giá trị thu về từ đợt IPO đạt 25,6 tỷ USD, lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử toàn cầu, nhưng con số này vẫn chưa đạt được kỳ vọng của Hoàng tử Mohammed bin Salman, người đưa ra kế hoạch cải tổ nền kinh tế Ả Rập Xê Út, giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

Xung đột thương mại toàn cầu

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 8

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã chiếm trọn sự chú ý của dư luận thế giới và có tác động to lớn tới nền kinh tế toàn cầu. Sau nhiều giằng co và các cuộc thảo luận tưởng chừng không bao giờ chấm dứt, cuối cùng, vào tháng 12/2019, giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung đã được thống nhất.

Tuy nhiên, cuộc chiến giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ là “trận địa” lớn nhất trong một năm mà xung đột thương mại toàn cầu không ngừng leo thang. Thực tế, Trung Quốc không phải là “kẻ thù” thương mại duy nhất đối với nước Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên hàng loạt hàng hóa châu Âu nhằm trả đũa việc các mặt hàng hàng không của Mỹ phải chịu thuế khi bán sang EU; gia tăng rào cản với hàng hóa từ Brazil, Argentina và đe dọa đánh thuế 100% lên hàng hóa từ Pháp…

Đó là chưa kể, tại châu Á, xung đột thương mại Hàn Quốc - Nhật Bản cũng có những diễn biến nóng bỏng. Nhật Bản tuyên bố loại Hàn Quốc ra khỏi “danh sách trắng”, tức danh sách các thị trường xuất khẩu đáng tin cậy, đồng nghĩa với việc các công ty Nhật Bản phải xin giấy phép nếu muốn bán hàng cho đối tác Hàn Quốc.

Trước đó, Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc 3 loại vật liệu công nghệ cao cần thiết cho việc sản xuất chip và màn hình điện thoại thông minh. Đòn này đã giáng mạnh vào hoạt động của các công ty công nghệ lớn hàng đầu Hàn Quốc và tạo nguy cơ đứt gãy trên thị trường sản phẩm công nghệ cao toàn cầu.

Boeing gây cơn sốc

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 9

2019 là năm thảm họa đối với Boeing, tên tuổi hàng đầu toàn cầu về sản xuất máy bay. 2 vụ tai nạn liên quan tới dòng sản phẩm bán chạy nhất của Hãng là Boeing 737 Max khiến 346 người thiệt mạng đã gây ra những mất mát không thể bù đắp.

Không riêng Boeing chịu tổn thất, chuỗi cung ứng hàng không trên toàn cầu cũng lung lay sau khi các nhà quản lý hàng không toàn cầu thắt chặt hơn nữa các quy định. Boeing phải ngừng việc sản xuất máy bay 737 Max vô thời hạn, trong khi kế hoạch ra mắt sản phẩm mới cũng bị trì hoãn…

Đáng chú ý, cuối năm 2019, Boeing gây sốc khi công bố sai sót dữ liệu cảm biến của hệ thống kiểm soát bay phụ có tên gọi MCAS góp phần gây ra hai vụ rơi máy bay 737 Max, và Hãng đã sơ suất không thông báo đầy đủ cho phi công về MCAS cũng như những thay đổi đã được thực hiện trên dòng máy bay bán chạy nhất lịch sử này. Sau đó, CEO Dennis Muilenburg đã từ chức vì bê bối này.

Big Tech vào tầm ngắm

Thế giới 2019: Hành trình khó quên ảnh 10

Các công ty công nghệ lớn (Big Tech) đã góp phần thay đổi cuộc sống của con người trong thập kỷ qua, nhưng đi kèm với nó là những biến động về xã hội, chính trị… mà các nhà quản lý chưa theo kịp để kiểm soát.

Năm 2019, những gã khổng lồ ngành công nghệ đối diện với làn sóng chỉ trích không chỉ từ phía người dùng, mà còn chấp nhận sự giám sát khắt khe hơn từ nhà quản lý. Nếu như Facebook phải nộp phạt vì các scandal liên quan tới thao túng chính trị, mất an toàn thông tin cá nhân, thì Google, Twitter và nhiều Big Tech khác cũng chịu chung hoàn cảnh. Với sự trỗi dậy của nền tảng TikTok, cơ quan an ninh Mỹ đã vào cuộc nhằm kiểm soát rủi ro đối với thông tin cá nhân của người dùng…

Có thể nói, 2019 là năm mà Big Tech chứng kiến sự “tự do” bị thu hẹp so với giai đoạn trước, khi nhiều vấn đề nằm dưới con mắt giám sát từ cả người dùng lẫn nhà chức trách.

Chuyên đề