Tổng thống Mỹ - Donald Trump tới Hà Nội cuối tuần trước. Ảnh:AFP |
Hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ - Donald Trump đã rút nước này ra khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đẩy thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới đến bờ vực sụp đổ. Tuy nhiên, bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) cuối tuần trước tại Việt Nam, 11 nước còn lại đã thống nhất bộ khung cho một thỏa thuận mới, có tên Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Trên CNN, Alexander Capri tại Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore nhận xét động thái này là “một bước tiến lớn”. Nó cho thấy các nước châu Á và châu Mỹ sẵn sàng bước tiếp, bất chấp quan điểm “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump.
CPTPP cũng cho thấy mong muốn của các nước, như Nhật Bản, về việc kiềm chế tầm ảnh hưởng đang ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực và trên thế giới. Việc Mỹ rút khỏi TPP đã “để lại một khoảng trống ngoại giao kinh tế lớn” trong khu vực, Sanchita Basu-Das tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN tại Singapore cho biết.
Ông Trump thích các hiệp định thương mại song phương. Ông cho rằng bằng cách này, mình có thể đưa ra các thỏa thuận tốt hơn cho người lao động Mỹ.
Tuy nhiên, nếu TPP mới được hoàn tất sớm, các thành viên còn lại trong TPP, như Nhật Bản hay Việt Nam, đều sẽ không mấy mặn mà với các thỏa thuận song phương với Mỹ, Capri nhận định. Ông cũng dự báo ông Trump có thể gặp sức ép tại quê nhà, nếu việc làm ăn của các công ty Mỹ tại các nước TPP bị mất vào tay các doanh nghiệp nước khác, như Canada hay Australia.
“Rủi ro là Mỹ đang ngày càng rời xa các hoạt động tương tác kinh tế trong khu vực”, Christopher Nelson - biên tập viên tạp chí thương mại Nelson Report nhận xét trên New York Times, “và từ quan điểm doanh nghiệp, các công ty Mỹ sẽ mất lợi thế cạnh tranh, nếu không có mặt trong cuộc chơi”.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang đẩy các quốc gia khác đến tình thế hoặc đi theo, hoặc liên kết với nhau để chống lại. Tốc độ tăng trưởng nhanh tại các thị trường như Đông Nam Á có nghĩa đây là thị trường tiềm năng cho mọi sản phẩm. Vì thế, sự vắng mặt của Mỹ sẽ nhường cơ hội cho các nước khác.
“Đến một thời điểm nào đó, chính phủ có thể sẽ nhận ra đây là một sai lầm chiến lược và không mang lại lợi ích cho nhân công Mỹ”, Rufus Yerxa - Chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia Mỹ cảnh báo, “Chúng ta phải cạnh tranh và là người chiến thắng trên các thị trường thế giới. Nhưng nguy hiểm là chiến lược lại không ủng hộ điều này”.
*Sự khác nhau giữa CPTPP và TPP
Với CPTPP, các thành viên sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Việc này sẽ cho phép các quốc gia tiếp cận thị trường của nhau nhanh hơn và thuận lợi hơn doanh nghiệp Mỹ.
Eric L.Schmidt – CEO EventBank (Mỹ) cũng tỏ ra hối tiếc khi Mỹ rút khỏi TPP. “Tôi thấy đây là sai lầm lớn của Chính phủ. Tôi hy vọng lúc nào đó, họ sẽ cân nhắc lại. Mỹ đang sẵn có lợi thế trong khu vực, nhưng việc rút ra là một sai lầm lớn, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc đang mở rộng thị trường”, ông nhận xét.
Dù vậy, nhiều chuyên gia cho rằng sự vắng mặt của Mỹ tại TPP có thể chỉ là tạm thời. “Tôi cho rằng sẽ có cơ chế thích hợp để Mỹ gia nhập giai đoạn sau”, Donald Rothwell - Giảng viên luật quốc tế tại Trường Luật thuộc Đại học Quốc gia Australia nhận xét.
Trong khi đó, trên Financial Times, Wendy Cutler - người từng tham gia đàm phán TPP cho Mỹ lại tỏ ra không mấy lạc quan. “Chính quyền hiện tại khó có khả năng quay lại”, ông dự đoán. Trong khi đó, nhiều nước khác như Hàn Quốc, Philippines hay Thái Lan lại được kỳ vọng gia nhập khi hiệp định mới được phê chuẩn.
Dù vậy, CPTPP chưa rõ khi nào sẽ hoàn tất. Một số cho rằng việc này có thể diễn ra khá nhanh, ngay trong đầu năm 2018. “Tôi tự tin chúng ta có thể đạt một thỏa thuận trong tương lai không quá xa”, Bộ trưởng Thương mại Australia - Steven Ciobo cuối tuần trước cho biết.
Thỏa thuận mới sẽ bỏ rào cản thương mại hàng hóa, dịch vụ giữa 11 nước. Nhóm nước này hiện đóng góp 15% GDP toàn cầu. Nó cũng vẫn bao gồm các quy định về bảo vệ môi trường vào người lao động.
Điều quan trọng là, các điều khoản chủ chốt về thương mại điện tử và trao đổi dữ liệu xuyên biên giới vẫn được duy trì, bất chấp Mỹ rút lui. Các điều khoản còn cần đàm phán thêm cũng khá nhỏ, Capri cho biết.
Các quốc gia, như Nhật Bản, đang nóng lòng dùng hiệp định mới để kiềm chế Trung Quốc. Bắc Kinh đang gia tăng tầm ảnh hưởng trong khu vực, đặc biệt qua sáng kiến Vành đai và Con đường. Sáng kiến này nhằm thúc đẩy thương mại trên khắp châu Á và châu Âu thông qua các khoản đầu tư khổng lồ vào cơ sở hạ tầng như đường bộ, đường ray và cảng biển.
“Các cường quốc châu Á vẫn sẽ tìm cơ hội để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc, dù có hay không có Mỹ”, Abraham Denmark - Giám đốc nghiên cứu châu Á tại Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson cho biết.
Và dù ông Trump đã rút Mỹ khỏi TPP, Trung Quốc cũng chưa chắc đã dễ thở hơn trong việc kéo các nước vào quỹ đạo của mình. Basu-Das cho biết các nước Đông Nam Á đều lo ngại rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc thường kéo theo nhiều ràng buộc, như dùng nhân công hay vật liệu của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, các tín hiệu gần đây từ Trung Quốc đều cho thấy họ muốn nhận vai trò tiên phong trong quá trình toàn cầu hóa. Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình từng phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos đầu năm nay, rằng Trung Quốc sẽ là người bảo vệ thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, Capri cho rằng việc nước này vẫn trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước và thải hàng dư ra thị trường thế giới cho thấy họ vẫn chưa sẵn sàng gánh trách nhiệm này.