Với hơn nửa tỷ USD tăng vốn tại Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng, Hàn Quốc tiếp tục giữ vững ngôi đầu trong đầu tư vào Việt Nam. Ảnh: Hoài Tâm |
Khó khăn được dự báo trước
Những khó khăn trong thu hút FDI của Việt Nam năm 2018 đã đến ngay trong các tháng đầu năm. Theo công bố mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, quý I/2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 5,8 tỷ USD, bằng 75,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, vốn đăng ký mới là 2,12 tỷ USD, bằng 72,7% so với cùng kỳ năm 2017; vốn tăng thêm là 1,79 tỷ USD, bằng 45,4% so với cùng kỳ năm 2017.
Khó khăn trong thu hút vốn FDI năm 2018 đã được tiên liệu trước, khi vào cuối năm ngoái, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông qua một đạo luật về cải cách thuế lớn nhất trong vòng 30 năm qua. Một trong những thay đổi lớn nhất là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 35% xuống 21% kể từ đầu năm nay.
Động thái này của Chính phủ Mỹ đang tác động không nhỏ tới kinh tế toàn cầu, trong đó có việc dịch chuyển dòng vốn FDI. Theo Cục Đầu tư nước ngoài, việc Mỹ giảm thuế thu nhập doanh nghiệp có thể khiến các nhà đầu tư nước này xem xét lại kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Thay vì mở rộng đầu tư, có thể họ sẽ chuyển về Mỹ đầu tư. Thậm chí, có thể có tình trạng một số nước sẽ ban hành các chính sách ưu đãi thuế để thuyết phục doanh nghiệp Mỹ ở lại, nên sẽ ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh thu hút FDI của Việt Nam.
PGS. TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng phục hồi tại Mỹ và các quốc gia phát triển - những khu vực vốn chủ trương tự do mậu dịch - đang ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút FDI toàn cầu và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, đã đến lúc việc thu hút FDI không nên chỉ đo đếm thành tích bằng con số vốn đăng ký, mà cần tập trung hơn vào chất lượng của dòng vốn.
Báo cáo mới nhất vừa được công bố của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, con số kỷ lục 36 tỷ USD vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong năm 2017 mở ra kỳ vọng về thu hút FDI trong năm 2018. Tuy nhiên, dòng vốn đầu tư nước ngoài sẽ khó duy trì mức tăng ấn tượng như năm 2017. Theo dự báo, vốn FDI vào Việt Nam trong năm 2018 sẽ đạt khoảng 15 tỷ USD, tức là chưa bằng một nửa con số của năm ngoái.
Công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn thu hút nhiều vốn FDI nhất
Trong số các dự án đầu tư trong quý I, đáng chú ý nhất là Dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng tăng vốn đầu tư thêm 501 triệu USD, và Dự án Regina Miracle International Việt Nam tăng vốn thêm 260 triệu USD. Ngoài ra, một dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 7/2/2018 là Dự án Nhà máy Điện gió Hanbaram có tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, do nhà đầu tư Singapore đầu tư tại Ninh Thuận với mục tiêu sản xuất điện từ năng lượng tái tạo, cũng góp phần đưa tổng vốn FDI trong 3 tháng đầu năm có được bước tiến đáng kể.
Tín hiệu tích cực là vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn tiếp tục khẳng định “ngôi vương” trong quý I/2018 khi chiếm tỷ trọng cao trong tổng vốn đầu tư (59,4%). Cơ cấu vốn FDI phân bổ trong lĩnh vực này đang cho thấy sự thay đổi tích cực khi tập trung vào các ngành xuất khẩu. Sản phẩm của khu vực FDI cũng thay đổi theo hướng tăng số lượng và tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao như công nghệ thông tin, thiết bị cơ khí chính xác, sản phẩm điện tử... Một số chuyên gia đánh giá, FDI đang cho thấy vai trò quan trọng trong tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam với tỷ trọng hàng có hàm lượng công nghệ cao tăng lên.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trong bối cảnh hiện nay, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều dự án FDI là điều tích cực. Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút nhiều lao động, vì thế sẽ giải quyết được vấn đề công ăn việc làm cho người lao động, đồng thời giúp lao động Việt Nam nâng cao tay nghề, kỹ năng làm việc. Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh sẽ tạo ra nhu cầu rất lớn về công nghiệp hỗ trợ, là cơ hội cho Việt Nam thu hút thêm nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước.