Tháo gỡ khó khăn trong đấu giá tài sản

(BĐT) - Qua hơn 5 tháng thực hiện Luật Đấu giá tài sản (ĐGTS), hoạt động đấu giá đã tác động lên nhiều chủ thể, nhất là những người có tài sản, người quản lý tài sản của Nhà nước, tổ chức bán ĐGTS, đấu giá viên… 
Qua 5 tháng triển khai, nhiều quy định mới của Luật Đấu giá tài sản đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Ảnh: Tất Tiên
Qua 5 tháng triển khai, nhiều quy định mới của Luật Đấu giá tài sản đã bắt đầu đi vào thực tiễn. Ảnh: Tất Tiên

Tuy nhiên, thực tiễn đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc và đòi hỏi có hướng dẫn cụ thể để Luật ĐGTS được thực thi hiệu quả.

Đã có những chuyển biến

Báo cáo đánh giá của Bộ Tư pháp qua 5 tháng triển khai Luật ĐGTS cho thấy, nhiều quy định mới của Luật so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đã tác động đến nhiều mặt của hoạt động đấu giá, khẳng định tính đúng hướng trong việc phát triển hoạt động tư pháp, bổ trợ tư pháp. Trong đó, nhiều quy định đã bắt đầu đi vào thực tiễn.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp thuộc Bộ Tư pháp cho biết, người có tài sản (gồm các cơ quan nhà nước, tổ chức có tài sản bán đấu giá khi thực hiện bán ĐGTS của Nhà nước, quyền sử dụng đất, tài sản thi hành án) đã bắt đầu thực hiện việc lựa chọn tổ chức bán ĐGTS theo các tiêu chí mà Luật quy định. Theo đó, đã góp phần lựa chọn các tổ chức ĐGTS có uy tín, kinh nghiệm, năng lực, khách quan trong việc tổ chức đấu giá; hạn chế tình trạng doanh nghiệp “sân sau” trong hoạt động ĐGTS.

Hiện trên phạm vi cả nước có 466 tổ chức ĐGTS, trong đó có 62 trung tâm dịch vụ bán ĐGTS (tỉnh Trà Vinh đã giải thể trung tâm này vào năm 2015). Còn lại đối với 404 doanh nghiệp ĐGTS, theo báo cáo của các Sở Tư pháp, trong 5 tháng qua đã có 15 doanh nghiệp ĐGTS thành lập mới (chủ yếu tập trung ở Hà Nội và TP.HCM); 6 doanh nghiệp ĐGTS đã thực hiện xong chuyển đổi đăng ký hoạt động theo Luật ĐGTS.

Cả nước hiện có 1.160 đấu giá viên đã đăng ký hành nghề, đã cấp hơn 300 thẻ đấu giá viên theo Luật mới, đang tiếp tục rà soát cấp thẻ đấu giá viên trong giai đoạn chuyển đổi. Các đấu giá viên được nâng cao trách nhiệm, năng lực hành nghề thông qua các quy định về các hành vi bị cấm đối với đấu giá viên khi hành nghề, có chế tài xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm của đấu giá viên trong hoạt động hành nghề. Luật đã quy định một số hành vi vi phạm của đấu giá viên và một số hành vi vi phạm đã được quy định trong Bộ luật Hình sự thể hiện tính nghiêm khắc của pháp luật trong xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. 

Còn khó khăn, vướng mắc

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai Luật ĐGTS trên thực tế còn nhiều hạn chế, khó khăn. Cụ thể, bà Đỗ Hoàng Yến cho biết, một bộ phận cơ quan, tổ chức, cá nhân có tài sản bán đấu giá, nhất là cơ quan, tổ chức đại diện bán tài sản của Nhà nước còn chưa quan tâm đúng mức đến quy định mới của Luật. Do đó, chưa thực hiện có hiệu quả việc lựa chọn tổ chức đấu giá theo các tiêu chí mà Luật quy định, thậm chí việc lựa chọn ở một số nơi còn tùy tiện, dẫn đến việc tổ chức ĐGTS được lựa chọn để thực hiện bán ĐGTS của Nhà nước kém năng lực, thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức bán đấu giá, ảnh hưởng đến hiệu quả của bán ĐGTS.

Cùng với đó, việc triển khai thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động ĐGTS, chi nhánh của doanh nghiệp ĐGTS còn chưa thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Trong 5 tháng qua, Bộ Tư pháp đã ban hành 6 văn bản hướng dẫn chung và 40 văn bản trả lời các địa phương nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động ĐGTS được các địa phương phản ánh.

Theo ông Lê Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ thì hoạt động ĐGTS trên địa bàn Thành phố đang gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là đối với tài sản liên quan đến đất đai thi hành án và những vấn đề về định giá, bàn giao tài sản sau khi hoàn thành việc ĐGTS. Bởi, với những quy định còn bất cập trong việc xử lý tài sản thi hành án đã làm cho việc đấu giá loại tài sản này mặc dù được tiến hành thành công nhưng lại gặp khó khăn khi bàn giao tài sản thực tế. Ông Tâm cho biết, sẽ trao đổi cụ thể với Bộ Tư pháp để có những hướng dẫn, giải pháp để khắc phục vướng mắc này tại địa phương.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Phước Ngô Điền Long bày tỏ băn khoăn về quy định tại Điều 56 của Luật ĐGTS liên quan đến việc lựa chọn tổ chức ĐGTS. Theo phản ánh từ địa phương, hiện danh sách tổ chức ĐGTS chưa được Bộ Tư pháp công bố, một số trường hợp người có tài sản không có trang thông tin để đăng thông báo công khai. Do đó, ông Long cho rằng, để áp dụng đồng bộ và có hiệu quả Luật ĐGTS, Bộ Tư pháp phải sớm công bố danh sách các tổ chức đấu giá trong phạm vi cả nước; thành lập trang thông tin điện tử chuyên ngành về ĐGTS...

Chuyên đề