Đây là lần thứ ba Dự án bị “đứt gánh giữa đường” và theo chuyên gia về đấu thầu, việc hủy thầu gói thầu có quy mô hơn 560 tỷ đồng này sẽ kéo theo nhiều rắc rối và hệ lụy về sau.
Ảnh minh họa: Internet
Gói thầu nêu trên sử dụng ngân sách tỉnh Thái Bình, nguồn thu từ việc đấu giá quyền sử dụng đất, nguồn hỗ trợ xi măng và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác. Gói thầu này có giá 562.124 triệu đồng, được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ; đóng thầu vào ngày 11/2/2019. Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) nhưng 2 nhà thầu bị trượt ở bước đánh giá về kỹ thuật, gồm: Công ty CP Xây dựng cầu 75 và Liên danh Công ty CP Công trình 207 - Công ty CP Phát triển kỹ thuật xây dựng. Liên danh Công ty CP Tập đoàn Phú Thành - Công ty TNHH Hoàn Hảo - Công ty CP Tập đoàn Đông Đô (Liên danh Phú Thành - Hoàn Hảo - Đông Đô) là nhà thầu duy nhất vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật.
Ngày 22/2/2019, BQLDA GT Thái Bình có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu. Liên danh Phú Thành - Hoàn Hảo - Đông Đô trúng thầu với giá trúng thầu 561.638 triệu đồng (đạt tỷ lệ tiết kiệm 0,08%).
Ngày 19/3/2019, BQLDA GT Thái Bình có quyết định hủy thầu Gói thầu. Lý do là trong quá trình hoàn thiện, ký hợp đồng, một thành viên trong Liên danh nhà thầu trúng thầu từ chối ký hợp đồng.
BQLDA GT Thái Bình cho biết, do Liên danh nhà thầu trúng thầu là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, được mở và đánh giá hồ sơ đề xuất tài chính nên khi một thành viên của Liên danh từ chối ký hợp đồng thì Chủ đầu tư buộc phải hủy thầu.
Về thương thảo hợp đồng, Khoản 6 Điều 19 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định: Trường hợp thương thảo không thành công, bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định mời nhà thầu xếp hạng tiếp theo vào thương thảo; trường hợp thương thảo với các nhà thầu xếp hạng tiếp theo không thành công thì bên mời thầu báo cáo chủ đầu tư xem xét, quyết định hủy thầu theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 của Luật Đấu thầu.
3 lần đấu thầu không thành công
Khoản 6 Điều 19 Nghị định 63/2014/NĐ-CP cũng quy định: Nhà thầu xếp hạng thứ nhất được mời đến thương thảo hợp đồng. Trường hợp nhà thầu được mời đến thương thảo hợp đồng nhưng không đến thương thảo hoặc từ chối thương thảo hợp đồng thì nhà thầu sẽ không được nhận lại bảo đảm dự thầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ đấu thầu của BQLDA GT Thái Bình cho biết, sau khi có quyết định hủy thầu, Ban đang xin ý kiến của cấp có thẩm quyền và các cơ quan liên quan để có phương án xử lý tiếp theo. Về việc tịch thu bảo đảm dự thầu của liên danh nhà thầu nêu trên, Ban sẽ tiến hành theo quy định của pháp luật.
Theo tìm hiểu, Phú Thành là thành viên đứng đầu Liên danh nhà thầu trúng thầu; còn Đông Đô là thành viên từ chối ký hợp đồng; bảo đảm dự thầu của gói thầu nêu trên là 5.622 triệu đồng.
Để làm rõ trách nhiệm của từng thành viên trong Liên danh nhà thầu trúng thầu đối với việc hủy thầu nêu trên, phóng viên Báo Đấu thầu đã nhiều lần liên hệ với Lãnh đạo và cán bộ liên quan của BQLDA GT Thái Bình cũng như Công ty CP Tập đoàn Phú Thành nhưng với các lý do khác nhau, phía Chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu đều từ chối việc làm rõ.
Theo tìm hiểu của Phóng viên, tính đến thời điểm hiện tại, Dự án Cải tạo, nâng cấp đường 221A đã 3 lần lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu mà không thành công. Dự án này được đưa ra lựa chọn nhà đầu tư từ cuối năm 2014, nhưng ở 2 lần đầu, các nhà đầu tư đều không đảm bảo năng lực để thực hiện gồm: Quỹ Quản lý tài sản và Cố vấn đầu tư Viet HP, Công ty CP Xi măng Công Thanh. Sau đó, Dự án đã được chuyển đổi hình thức đầu tư, chuyển từ lựa chọn nhà đầu tư sang lựa chọn nhà thầu (sử dụng vốn ngân sách). Tuy nhiên, lại 1 lần nữa, Dự án bị dang dở khi 1 trong 3 thành viên của Liên danh nhà thầu trúng thầu từ chối ký hợp đồng.