Thách thức trong phát triển thị trường BĐS TP.HCM

(BĐT) - Tại Diễn đàn Phát huy vai trò doanh nghiệp bất động sản triển khai thực hiện Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM, tổ chức ngày 9/3/2018, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản TP.HCM còn rất nhiều hạn chế.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Để bảo đảm phát triển khoảng 80.000 căn nhà/năm cho người dân theo Đề án, phát triển thị trường minh bạch, bền vững, Thành phố còn khá nhiều việc phải làm. 

Quá nhiều hạn chế

Theo ông Phan Trường Sơn, Trưởng Phòng Phát triển nhà và thị trường bất động sản thuộc Sở Xây dựng TP.HCM, hạn chế trước tiên của thị trường bất động sản TP.HCM chính là công tác quản lý. Công tác này cũng như việc chia sẻ dữ liệu thị trường bất động sản chưa đáp ứng nhu cầu. Việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị liên quan đến thị trường bất động sản thiếu tính đồng bộ và thực tế. Thị trường còn thiếu minh bạch; trong khi tín dụng bất động sản tăng trưởng nhanh dẫn đến mất cân đối, nguồn thu từ bất động sản có xu hướng giảm cả về tỷ trọng lẫn giá trị tuyệt đối.

Trong khi đó, việc phát triển nhà ở còn quá nhiều bất cập. Cụ thể, nhà ở do người dân tự xây chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển nhà ở của Thành phố; nhà ở phát triển theo dự án với số lượng lớn tập trung tại các khu vực ngoại thành, phân bố không đồng đều trên địa bàn Thành phố, chủ yếu tại các quận vùng ven, các quận nội thành mới phát triển; quá trình phát triển dự án kéo dài, thời gian thực tế thường dài hơn so với quy định do hệ thống quản lý tương đối phức tạp với nhiều thủ tục khác nhau, khó thực hiện và thường hay thay đổi.

Các chuyên gia dự báo, thị trường bất động sản năm 2018 và các năm tiếp theo sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn về tài chính - vốn, về quan hệ cung - cầu, về tiếp cận quỹ đất đầu tư, về thủ tục hành chính. Nhưng trước hết là khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, do Ngân hàng Nhà nước đang tiếp tục thực hiện lộ trình hạn chế dần nguồn tín dụng vào thị trường bất động sản. Trong ngắn hạn, thị trường bất động sản sẽ tiếp tục đà phục hồi, tăng trưởng và giữ được sự phát triển ổn định. Song trong dài hạn, nếu những khó khăn nêu trên không được khắc phục và việc thực hiện những mục tiêu của Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM không như mong đợi thì thị trường sẽ khó tránh khỏi sự đi xuống. 

Bảo đảm phát triển khoảng 80.000 căn nhà/năm

Đề án Phát triển thị trường bất động sản TP.HCM dự báo, diện tích nhà ở tăng thêm giai đoạn 2016 - 2020 bình quân vào khoảng 8,3 triệu m2/năm, giai đoạn 2021 - 2025 tăng 9,5 triệu m2/năm và giai đoạn 2026 - 2030 tăng 9,8 triệu m2/năm. Như vậy, TP.HCM cần có định hướng để bảo đảm phát triển khoảng 80.000 căn nhà/năm cho người dân.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, UBND TP.HCM cho biết, cần tập trung triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cơ bản để phát triển thị trường bất động sản Thành phố minh bạch, bền vững. Cụ thể, về đất đai, tạo quỹ đất sạch để kêu gọi đầu tư, khắc phục những khó khăn của chủ đầu tư trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, đồng thời làm giảm mâu thuẫn và bất ổn xã hội.

Về quy hoạch, tăng cường công khai thông tin các đồ án quy hoạch đã được duyệt để nhà đầu tư, chủ đầu tư, người dân có thể theo dõi và tiếp cận dễ dàng.

Xây dựng Chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020 định hướng đến năm 2025 để tổ chức triển khai thực hiện trên toàn địa bàn Thành phố.

Về tài chính, nghiên cứu đề xuất Chính phủ thay đổi quy định về vốn sở hữu và vốn pháp định đối với chủ đầu tư các dự án bất động sản nhằm bảo đảm lựa chọn được chủ đầu tư có đủ năng lực tài chính để đầu tư xây dựng, phát triển dự án bất động sản.            

Chuyên đề