Môi giới bất động sản chào bán một dự án tại TP HCM. |
Bén duyên làm môi giới nhà đất từ năm 2015 đến năm 2019, anh Năng đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm của nghề sale bất động sản. Thế nhưng, năm 2019, các doanh nghiệp địa ốc như công ty của anh phải đương đầu với nhiều khó khăn được xem là lớn nhất trong 5 năm trở lại đây.
Kết quả kinh doanh ảm đạm suốt 12 tháng qua và kém nhất trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm khiến anh và gia đình phải đón cái Tết thắt lưng buộc bụng. Lương, thưởng đều giảm xuống mức thấp nhất nửa thập niên qua.
Anh Năng cho biết, năm 2019, công ty anh (trụ sở tại quận 3) không có dự án nào chào bán vì vướng thủ tục pháp lý. Thậm chí các dự án từng bán trước đó cũng vấp phải phản ứng gay gắt của khách hàng vì tiến độ xây dựng chậm do vướng thanh tra, nhiều người mua nhà gây áp lực đòi lại tiền và phạt trả lãi. Là nhân viên kinh doanh, không có hàng để bán nên thu nhập chỉ ở mức chạm mốc 6 triệu đồng mỗi tháng, tương đương mức lương cơ bản.
Để cải thiện thu nhập, anh phải chạy vòng ngoài để kiếm thêm việc, môi giới đất nền tỉnh và nhà phố lẻ. Tuy nhiên, năm 2019, nhiều dự án đất nền vùng ven lân cận Sài Gòn bị thất thu do tác động tiêu cực từ diễn biến lãnh đạo Công ty địa ốc Alibaba bị điều tra và bắt giam. Các chiêu trò buôn gian bán lận đất nền vùng ven của Alibaba bị phanh phui khiến thị trường đất nền chịu cú sốc lớn và mất niềm tin, lặng sóng từ giữa đến cuối năm.
Trong khi đó, buôn nhà phố lẻ cũng vô cùng gian nan. Anh Năng phải hợp tác bán hàng theo nhóm cùng môi giới địa phương (mỗi quận có đội ngũ môi giới riêng), một giao dịch thành công phí môi giới chia năm xẻ bảy, khiến anh vất vả ngược xuôi nhưng thu chẳng đủ bù chi.
Anh Năng kể, Tết này chỉ có khoản thu nhập duy nhất là tháng lương thứ 13, cộng với tiền lì xì an ủi của sếp, tổng số vẫn chưa đến chục triệu đồng, chỉ bằng 10% của mức thưởng năm 2017 (thưởng và thu nhập mùa Tết đạt hơn 80 triệu đồng) và bằng 20% của năm 2018 (thưởng Tết 40 triệu đồng). "Tôi băn khoăn liệu có bám trụ nổi trong tình hình các dự báo thị trường năm 2020 vẫn còn nhiều khó khăn hay không", anh Năng bộc bạch.
Thưởng Tết năm nay của chị Hảo, nhân viên một công ty phát triển bất động sản có trụ sở tại quận Phú Nhuận, TP HCM, cũng ảm đạm không kém. Trong những quý giữa năm 2019, công ty khó khăn, buộc phải nợ lương hoặc chỉ trả 50% lương cho người lao động. Đến cuối quý IV/2019, lãnh đạo công ty phải xoay sở vay mượn để lo lương và thưởng tượng trưng cho nhân viên.
"Mức thưởng Tết của tôi năm nay xấp xỉ nửa tháng lương, thấp nhất kể từ năm 2015 đến nay. Đành phải ăn Tết nghèo và hy vọng năm 2020 diễn biến thị trường tích cực hơn", chị Hảo cho hay.
Tổng giám đốc một công ty tư vấn đầu tư bất động sản có trụ sở tại khu Trung Sơn, TP HCM nhận xét, năm 2019 nhiều nhân sự ngành địa ốc nhận lương thưởng Tết ảm đạm nhất kể từ lúc thị trường phục hồi năm 2015. Toàn thị trường chỉ có khoảng 20% doanh nghiệp vẫn còn kinh doanh hiệu quả.
Khảo sát sơ bộ tại những doanh nghiệp bất động sản quy mô lớn trên địa bàn TP HCM, đến cuối quý IV/2019, người lao động ngành địa ốc, đặc biệt là nhân viên môi giới chuyển nghề 5-7% vì thu nhập giảm mạnh, tương đương 3.000-4.000 người rời khỏi thị trường. Ngoài ra có 10% nhân sự bất động sản đang sống bằng nghề tay trái (làm thêm lĩnh vực khác để cải thiện thu nhập). Sau Tết, nhiều khả năng nhân sự ngành địa ốc tiếp tục biến động mạnh.
Theo báo cáo tổng kết thị trường bất động sản TP HCM do Hiệp hội Bất động sản TP HCM vừa công bố, thị trường bất động sản bị sụt giảm về quy mô, về nguồn cung dự án nhà ở cũng như nguồn cung sản phẩm nhà ở, trong đó, có nhiều dự án bị "đứng hình" do thủ tục pháp lý kéo dài cũng như bị đình trệ do vướng thanh kiểm tra. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản năm qua, giảm mạnh doanh thu và lợi nhuận, thậm chí có đơn vị thua lỗ hoặc nguy cơ phá sản.