Tên lửa phòng không Nga có thể đã lọt vào tay IS

Phiến quân có thể đã thu được hệ thống phòng không S-125 do Nga sản xuất bị quân đội Syria bỏ lại khi tháo chạy khỏi thành cổ Palmyra.
Một hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora. Ảnh:ModDB
Một hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora. Ảnh:ModDB

Trong cuộc họp báo do Bộ Quốc phòng Mỹ tổ chức ngày 14/12, trung tướng lục quân Stephen Townsend cho biết phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) có thể thu được hệ thống tên lửa phòng không S-125 Neva/Pechora (NATO định danh là SA-3 Goa) bị quân đội Syria bỏ lại ở thành cổ Palmyra, theo UNI.

Phiến quân IS hồi tuần trước bất ngờ phát động chiến dịch tấn công tái chiếm thành cổ Palmyra từ tay quân đội và dân quân Syria. Các đơn vị quân đội Syria bảo vệ thành phố này đã phải rút lui, để lại nhiều vũ khí, khí tài ở Palmyra.

S-125 Neva/Pechora là hệ thống tên lửa đất đối không do Liên Xô sản xuất trong giai đoạn đỉnh điểm của cuộc Chiến tranh Lạnh. Tên lửa sử dụng nhiên liệu rắn, được điều khiển bằng sóng vô tuyến, có vận tốc tối đa lên đến Mach 3 (1.000 m/s) và tầm bắn tối đa khoảng 32 km.

Tên lửa được tích hợp hệ thống radar cảnh báo và bắt mục tiêu P-15 "Flat Face"/P-15M(2) "Squat Eye", với phạm vi hoạt động lên đến 200 km. S-125 thường được phóng đi từ bệ phóng cố định, nhưng cũng có thể phóng đi từ xe tải ZILL.

Nhờ sở hữu tốc độ cao cùng hành trình bay linh hoạt, S-125 Neva/Pechora được đánh giá là mối đe dọa thực sự đối với những mục tiêu di động, đặc biệt là các mục tiêu bay thấp.

Do giá thành rẻ và hiệu quả tương đối cao, nhiều quốc gia trong đó có Syria và Iraq đặt hàng mua của Nga trong những năm 1970. Trong chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, quân đội Iraq đã dùng S-125 Neva/Pechora bắn hạ một chiến đấu cơ F-16 của không quân Mỹ ở phía nam Baghdad.

Các quan chức quân sự Mỹ lo ngại nếu IS sở hữu và làm chủ được hệ thống vũ khí này, phiến quân có thể sẽ đe dọa đến các chiến đấu cơ của phương Tây và của cả Nga hoạt động ở Syria.

Tên lửa S-125 Neva/Pechora khai hỏa diệt mục tiêu

 

Chuyên đề