Kinh tế tư nhân là khu vực có dư địa phát triển rất lớn. Ảnh: Ngọc Kỳ |
Tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp
Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế như GDP quý I/2016 giảm so với cùng kỳ, kèm theo đó là việc làm, thu ngân sách sụt giảm… thì việc khơi dậy và huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân, đặc biệt là lấy lại niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi là việc không thể dừng và phải làm ngay.
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào Thủ tướng và Chính phủ mới. Vì vậy, trong thời gian tới, Thủ tướng và Chính phủ nên tập trung xây dựng niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp, xem xét và giải quyết ngay những kiến nghị hợp lý của doanh nghiệp để họ có thể thấy những chuyển biến thực sự. Theo ông Cung, ở đâu người đứng đầu có sự chỉ đạo quyết liệt, hăng hái thực hiện chính sách thì ở đó có sự thay đổi.
Đồng tình với ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hiện nay hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn, thủ tục đầu tư còn nhiều vướng mắc, lãi suất cho vay vẫn còn cao, số lượng doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh không nhỏ. Tình hình này đòi hỏi phải sớm triển khai nhiều giải pháp để tháo gỡ những rào cản hạn chế môi trường đầu tư, tạo dựng niềm tin cho doanh nghiệp, lấy lại niềm tin cho xã hội, thị trường, để cộng đồng doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh.
Khơi dậy nội lực
Ông Vũ Viết Ngoạn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, trong điều kiện dư địa chính sách rất hẹp, gần như đã cạn kiệt thì cần hạn chế dùng công cụ chính sách hỗ trợ tổng cầu. Chúng ta cũng cần xác định rõ động lực của tăng trưởng và phải đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu. Mặt khác, kinh tế tư nhân là khu vực có dư địa phát triển rất lớn, vì thế cần phải tạo niềm tin cho họ để khơi dậy nội lực, huy động nguồn lực phát triển từ xã hội. Chúng ta phải có sự quan tâm về chính sách để tạo điều kiện cho khu vực này phát triển.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cũng cho rằng, cần phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển, đặc biệt là bảo đảm một môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thứ trưởng Đông nhấn mạnh, trong nền kinh tế thị trường, chúng ta tôn trọng tính cạnh tranh nhưng không doanh nghiệp nào có thể cạnh tranh được với hàng giả, hàng nhái. Việc chính sách chưa chặt, để tồn tại hàng nhái, hàng giả trong thị trường sẽ làm méo mó môi trường đầu tư, kinh doanh và bóp chết hàng thật. Ông Đặng Huy Đông nhận định, nếu biết cách “khơi dậy nội lực” của khu vực tư nhân thì dư địa tăng trưởng của nền kinh tế vẫn còn nhiều, ngay cả trong bối cảnh khó khăn của nền kinh tế hiện nay.
Và theo quan điểm của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, việc hỗ trợ doanh nghiệp cần phải có trọng tâm, trọng điểm. Chúng ta tạo điều kiện để các doanh nghiệp cùng phát triển cạnh tranh, bình đẳng nhưng không phải là bao cấp, hỗ trợ mãi những doanh nghiệp làm ăn yếu kém. Nguyên tắc trong hỗ trợ doanh nghiệp là “hỗ trợ người chiến thắng”, doanh nghiệp nào có tiềm năng, chiến lược phát triển thì sẽ được hỗ trợ để phát triển mạnh hơn, bền vững hơn. Bài toán gốc vẫn là thị trường và trong điều hành không để xảy ra tình trạng lệch pha của nền kinh tế.