Tăng trưởng phục hồi qua các quý

(BĐT) - Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương mùa xuân 2016 vừa được công bố sáng ngày 18/5 tại Hà Nội. Báo cáo đã đưa ra những phân tích về sự sụt giảm của kinh tế Trung Quốc và tác động của sự sụt giảm này đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2016.
NCIF dự báo GDP của cả năm 2016 sẽ đạt khoảng 6,39%. Ảnh Internet
NCIF dự báo GDP của cả năm 2016 sẽ đạt khoảng 6,39%. Ảnh Internet

Ghi nhận cả tác động tích cực lẫn tiêu cực

IMF dự báo, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 5,3% năm 2016 và 2017, giảm nhẹ so với mức dự báo 5,4% đưa ra trước đó. Tốc độ trưởng kinh tế của cả khu vực này vẫn mạnh nhờ nhu cầu nội địa bù đắp cho suy giảm kinh tế do hoạt động thương mại toàn cầu giảm sút.

Báo cáo của IMF cũng dự báo, Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là động lực quan trọng cho tăng trưởng toàn cầu có thể tăng trưởng ở mức 6,5% năm 2016 và 6,2% năm 2017. Mức dự báo này giảm so với tốc độ tăng trưởng 6,9% của Trung Quốc năm 2015, mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua tại nước này.

Sự suy giảm tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc được TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF) nhìn nhận, có những tác động tích cực và tiêu cực tới kinh tế Việt Nam. Theo đó, chi phí đầu vào cho sản xuất của Việt Nam sẽ giảm khi giá các mặt hàng cơ bản trên thị trường thế giới giảm do nhu cầu từ Trung Quốc yếu đi. Các nhà đầu tư nước ngoài cũng sẽ có đánh giá lại cơ hội đầu tư và chuyển hướng sang các thị trường có tiềm năng tăng trưởng cao hơn như Việt Nam. Dòng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam cũng được nhận định là có ảnh hưởng tích cực từ diễn biến trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam cũng bị ảnh hưởng, khi đồng Nhân dân tệ bị phá giá, nhập khẩu nhóm hàng trung gian có khả năng tăng mạnh hơn sẽ gây áp lực tăng nhập siêu. Cầu nhập khẩu hàng hóa vào Trung Quốc giảm, dẫn đến xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc sẽ khó khăn hơn. Cùng với đó là áp lực giảm giá dầu thô thế giới.

Kinh tế dần phục hồi qua các quý

TS. Lương Văn Khôi cho rằng, kinh tế Việt Nam trong năm 2016 đang đón nhận những yếu tố thúc đẩy sự phục hồi đến từ việc ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cùng với đó, các hợp đồng sản xuất của doanh nghiệp trong quý II và những tháng cuối năm được dự báo sẽ đẩy mạnh hơn so với quý I; tiêu dùng theo xu hướng tích cực hơn; khả năng thu ngân sách nhà nước năm 2016 vẫn có thể đạt và tăng cao hơn so với dự toán.

Trước những diễn biến của tình hình kinh tế 4 tháng đầu năm và kết quả khảo sát về “Đánh giá một số chỉ tiêu vĩ mô quý II/2016”, NCIF dự báo GDP của cả năm 2016 sẽ đạt khoảng 6,39%, cụ thể quý II là 6,28%, quý III là 6,72%, quý IV là 7,01%.

Để đạt được mục tiêu GDP như trên, ông Khôi đề xuất, cần tiếp tục cải cách thể chế và ổn định kinh tế vĩ mô để khơi dậy niềm tin của các DN sản xuất kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu và giảm nhập siêu. Bên cạnh đó, thực hiện điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt theo tín hiệu thị trường; tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại, tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường thu hút FDI và triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện môi trường kinh doanh…

Chuyên đề