Tăng trưởng 2020 của Việt Nam đạt 2,91%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) -  Năm 2020, Việt Nam thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao nhất thế giới với mức tăng 2,91%. Trong năm qua, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam ghi nhận sự nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu, cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước tới nay.
Tăng trưởng 2020 của Việt Nam đạt 2,91%

Mức tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới

Chiều 27/12, Tổng cục Thống kê đã công bố các số liệu về tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2020.

Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2020 ước tính tăng 2,91% so với năm trước. Tuy là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011 - 2020 nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội thì đây là thành công lớn của Việt Nam với mức tăng trưởng năm 2020 thuộc nhóm cao nhất thế giới. Cụ thể, GDP quý I tăng 3,68%; quý II tăng 0,39%; quý III tăng 2,69%; quý IV tăng 4,48%.

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,68%, đóng góp 13,5% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,98%, đóng góp 53%; khu vực dịch vụ tăng 2,34%, đóng góp 33,5%.

Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, sản lượng của một số cây lâu năm, sản phẩm chăn nuôi chủ yếu và sản lượng tôm năm 2020 tăng khá nên tốc độ tăng của khu vực này đạt cao hơn năm 2019.

Khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36% so với năm trước, đóng góp 1,12 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Ngành xây dựng tăng 6,76%, cao hơn tốc độ tăng của các năm 2011, năm 2012 và năm 2013 trong giai đoạn 2011 - 2020, đóng góp 0,5 điểm phần trăm.

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Khu vực dịch vụ trong năm 2020 đạt mức tăng thấp nhất của các năm 2011 - 2020.

Xuất siêu lớn nhất từ trước tới nay

Trong bức tranh tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2020, Tổng cục Thống kê đặc biệt nhấn mạnh tới mức tăng của quý IV/2020 có sự khởi sắc so với quý III/2020, tạo động lực tăng trưởng chung cho nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương lý giải, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt ở trong nước, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (EVFTA) được thực thi nên sản xuất công nghiệp trong quý IV/2020 có sự khởi sắc với tốc độ tăng giá trị tăng thêm đạt 4,8% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 3,36% so với năm 2019, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,82%, giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Năm 2020 ghi nhận nỗ lực mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu trong bối cảnh nền kinh tế trong nước cũng như thế giới chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và sự đứt gãy thương mại toàn cầu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5%; nhập khẩu hàng hóa đạt 262,4 tỷ USD, tăng 3,6%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD, giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên nhìn sâu vào giá trị xuất siêu này, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ Thống kê thương mại và dịch vụ, Tổng cục Thống kê lưu ý 2 điểm.

Cụ thể, nhìn vào bức tranh tổng thể về xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 cho thấy, xuất nhập khẩu của khu vực FDI vẫn đạt tốc độ tăng trưởng dương cả về xuất khẩu (tăng 9,7%) và nhập khẩu (tăng 13%). Trong khi đó, tăng trưởng xuất nhập khẩu của khu vực trong nước lại tăng trưởng âm (cả về xuất khẩu (âm 1,1%) và nhập khẩu (âm 10%)). Điều này cho thấy, các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục chịu tác động tiêu cực từ Covid-19, khiến cho hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp này suy giảm.

Mặt khác, Việt Nam xuất siêu chủ yếu tới Mỹ (62,6 tỷ USD); EU (20,3 tỷ USD). Nhưng đối với thị trường nhập khẩu, Việt Nam chủ yếu nhập từ Trung Quốc (35,4 tỷ USD), Hàn Quốc (27,6 tỷ USD) và ASEAN (6,9 tỷ USD).

Chuyên đề