Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Lê Tiên |
Liên kết ngang còn yếu
Ngày 12/8, Hội nghị xây dựng Kế hoạch phát triển KTXH và đầu tư công năm 2020 Vùng miền Trung và Tây Nguyên đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Đây là hội nghị xây dựng kế hoạch năm 2020 thứ hai sau Hội nghị vùng miền núi phía Bắc được tổ chức ngày 8/8 vừa qua.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung, miền Trung và Tây Nguyên là khu vực kinh tế đặc biệt quan trọng, với chiến lược phát triển KTXH gắn với an ninh quốc phòng, an sinh xã hội. Thời gian qua, KTXH của cả khu vực miền Trung và Tây Nguyên đều phát triển tích cực, tăng trưởng cao hơn mức tăng trưởng bình quân cả nước.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho rằng, khu vực này hiện vẫn chưa thực hiện tốt liên kết vùng, và để làm được điều này, trước hết cần phải có sự kết nối về giao thông giữa các địa phương trong vùng.
Thực tế, hạ tầng giao thông hiện tại của các địa phương miền Trung về cơ bản thuận lợi khi có đầy đủ lợi thế về đường sắt, đường thuỷ, hàng không. Tổng kết sơ bộ, miền Trung có 14 tỉnh thì 9 tỉnh có sân bay; Tây Nguyên có 5 tỉnh thì 3 tỉnh có sân bay. Với các địa phương miền Trung, lợi thế còn đến từ 17 cảng biển lớn, nhỏ và 9 khu kinh tế ven biển, rất thuận lợi cho phát triển liên kết vùng. Tuy nhiên, hiệu quả và sự lan toả từ liên kết vùng chưa như kỳ vọng. Đặc biệt, liên kết ngang, liên kết Đông - Tây giữa các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên còn yếu.
Báo cáo của Bộ KH&ĐT cũng chỉ ra, hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng còn yếu và thiếu. Tuyến đường ven biển kết nối các tỉnh và vùng dải bờ biển miền Trung chưa được đầu tư. Các tuyến đường ngang nối khu vực ven biển lên Tây Nguyên, khu vực trung du, miền núi chưa được đầu tư mới, nâng cấp.
Từ góc độ các địa phương, tại Hội nghị, những ý kiến đề xuất để phát triển liên vùng hay cơ chế, chính sách chung có lẽ đã nhiều hơn đề xuất giải quyết những vấn đề của từng địa phương. Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nêu bật một trong những khó khăn lớn nhất là về kết nối hạ tầng và đề nghị Trung ương có chính sách đặc thù phân bổ nguồn lực cho vùng nhằm tạo sự kết nối mang tính đột phá để phát triển kinh tế vùng nhanh, bền vững gắn với ứng phó biến đổi khí hậu. Nhiều ý kiến khác cũng đề nghị Bộ KH&ĐT hỗ trợ để phát triển liên kết vùng với trục liên kết biển, tuyến đường ven biển xuyên suốt để bảo đảm tính kết nối.
Đẩy mạnh thu hút nguồn lực ngoài ngân sách
Về xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung lưu ý, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, các địa phương cần quan tâm đến các vấn đề sau:
- Lựa chọn các dự án ưu tiên, trọng điểm, có khả năng tạo động lực cho tăng trưởng của địa phương và của toàn vùng.
- Các địa phương nghiên cứu kỹ về nguyên tắc, tiêu chí sử dụng ngân sách nhà nước, đảm bảo nguyên tắc ưu tiên các dự án quan trọng.
- Quan điểm xây dựng kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 cơ bản sẽ căn cứ vào nội dung của Luật Đầu tư công (sửa đổi). Nội dung của Luật Đầu tư công (sửa đổi) có nhiều điểm mới, tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hoá trong thực hiện kế hoạch đầu tư công. Đây sẽ là căn cứ để kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 khả thi cao hơn giai đoạn trước.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư, theo nhiều địa phương, là vấn đề rất khó khăn đối với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung cho rằng, do năm 2020 là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020, nên đa số các địa phương kiến nghị các nguồn vốn đã giao trung hạn cần bố trí đủ, đặc biệt là dự án có vốn ngân sách trung ương hỗ trợ. Tuy nhiên, vấn đề này cần được xem xét, nghiên cứu trong khả năng cân đối vốn.
Thứ trưởng cho biết, việc cân đối nguồn lực trong giai đoạn 2016 - 2020 còn khó khăn, cần sự chia sẻ của các địa phương. Do đây cũng là giai đoạn đầu tiên làm kế hoạch đầu tư công trung hạn nên chưa hình dung được đầy đủ về khả năng cân đối nguồn.
Ngoài ra, Thứ trưởng Nguyễn Đức Trung chia sẻ, các địa phương cũng cần đẩy mạnh thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách. Dưới góc độ của Bộ KH&ĐT, Bộ sẽ tìm mọi giải pháp đơn giản hoá thủ tục để các địa phương có thể áp dụng đơn giản nhất, điển hình như việc sửa đổi Nghị định 30, xây dựng Luật PPP, Luật Đầu tư (sửa đổi)...