Tăng cường đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT ngay từ đầu năm

(BĐT) - Ngày 13/2, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc công tác thu BHXH, BHYT tháng 2/2020. Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị, tại điểm cầu Trung ương có: Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu; Tổng Giám đốc Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam Chu Quang Hào; đại diện các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam. Điểm cầu địa phương có: Lãnh đạo và đại diện các phòng liên quan BHXH 63 tỉnh, thành phố; đại diện Bưu điện các tỉnh, thành phố.

Thứ trưởng, Tổng Giám đốc phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo công tác thu BHXH, BHYT tháng 01/2020 cho thấy, tính đến 31/01, cả nước có 15,121 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; số đối tượng tham gia BHXH tự nguyện là 550.000 người; 84,2 triệu người tham gia BHYT…

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nhận định, tính đến hết tháng 01/2020, số tiền thu, tình hình phát triển BHXH, BHYT toàn quốc kết quả chưa như mong đợi. Do vậy, Phó Tổng Giám đốc yêu cầu BHXH tỉnh, thành phố quyết liệt, tăng cường đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ, phát triển đối tượng theo từng tháng; rà soát dữ liệu cơ quan Thuế cung cấp để phát triển tham gia BHXH bắt buộc; rà soát, chuẩn hóa dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp…  Đặc biệt, các địa phương phải tổ chức thực hiện ngay quy trình thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đột xuất đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT theo quy định; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an đề nghị điều tra, khởi tố theo quy định tại Điều 216 Bộ luật Hình sự…

Theo Trưởng Ban thu, BHXH Việt Nam Dương Văn Hào, báo cáo của BHXH các địa phương cho thấy có tình trạng giảm số thu và số người tham gia, nguyên nhân là do người lao động về quê vào dịp Tết Nguyên đán chưa đi làm lại. Với người dân tham gia BHXH tự nguyện thì do cuối năm 2019 các địa phương vận động theo phương thức đóng 01 tháng, nên tháng 01 chưa phải là thời điểm người dân tham gia đóng tiền tiếp. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng trong hộ nghèo đã thoát nghèo, đối tượng được quỹ kết dư hỗ trợ, hộ gia đình đã hết hạn thẻ nhưng chưa tham gia BHYT lại… Vì vậy, BHXH các địa phương phải tranh thủ sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong công tác thu; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc giảm nợ BHXH, BHYT xuống mức thấp nhất theo chỉ tiêu của BHXH Việt Nam. Đồng thời, chỉ đạo phân công cán bộ làm việc với đơn vị sử dụng lao động để thu nộp kịp thời, không để nợ tiền đóng trong tháng 2, 3 và các quý tiếp theo; quyết liệt rà soát dữ liệu do cơ quan Thuế cung cấp để phát triển người tham gia BHXH bắt buộc.

Tại hội nghị, đại diện BHXH các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, ngành Bưu điện đã thảo luận, chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc và đề ra phương hướng, giải pháp thời gian tới.

Tại điểm cầu các địa phương

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh, công tác thu, phát triển đối tượng luôn là nhiệm vụ “cốt lõi” của Ngành, liên quan chặt chẽ đến các lĩnh vực khác, nhất là CNTT, thanh kiểm tra, giải quyết chế độ chính sách...  Do đó, ngay trong tháng 2/2020, các địa phương phải đẩy mạnh công tác thu, giảm nợ đọng thì mới đảm bảo nhiệm vụ; cần chủ động nghiên cứu và đưa ra các giải pháp, sáng tạo, linh hoạt hơn nữa để hoàn thành công tác này.

Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh đánh giá, những chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020 của Ngành là rất lớn, nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các đơn vị nghiệp vụ, BHXH các tỉnh, thành phố cần khẩn trương, tích cực thực hiện nhiệm vụ được giao. Ban Thu cần tăng cường kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn địa phương; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Phối hợp với Trung tâm CNTT hoàn thiện, chuẩn hóa các phần mềm. BHXH các tỉnh, thành phố cần tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền với công tác thu BHXH, BHYT, BH thất nghiêp; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp xuống mức thấp nhất./.

Chuyên đề