Gói gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất thực hiện trong thời gian 5 tháng, với số tiền là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Ảnh: Lê Tiền |
Chỉ gia hạn tiền thuế phát sinh
Dự thảo nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất đối với 3 nhóm đối tượng, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; các đối tượng thuộc các ngành kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19.
Gói gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất thực hiện trong thời gian 5 tháng, với số tiền là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, các đối tượng được gia hạn sẽ phải nộp thuế vào thời điểm từ tháng 10 đến hết tháng 12/2020.
Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết, thuế TNDN đã tạm kê khai theo quý và tiền đã nộp vào năm 2019. “Trên thực tế đã kê khai, đã nộp vào ngân sách nhà nước (NSNN) và đã thực hiện cân đối năm 2019 theo Luật NSNN, được Quốc hội thông qua”, ông Thi nói.
Về tiền nợ thuế, theo ông Thi, Dự thảo nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất chỉ gia hạn tiền thuế phát sinh, không gia hạn số tiền nợ thuế.
Theo lý giải của ông Thi, nếu gia hạn cả tiền nợ thì chúng ta đánh đồng doanh nghiệp chấp hành tốt với doanh nghiệp không chấp hành - là doanh nghiệp vẫn còn nợ thuế. Do đó, trong Dự thảo có nêu rõ là gia hạn tiền thuế phát sinh phải nộp của các tháng có liệt kê.
Ông Phạm Đình Thi cho biết, đến nay, Bộ Tài chính vẫn luôn bám sát diễn biến tình hình dịch để kịp thời đề xuất giải pháp. Với các doanh nghiệp phá sản, bản chất họ không sản xuất, kinh doanh, không phát sinh thuế nên dù muốn cũng không miễn thuế được vì “làm sao có thuế mà miễn”.
Tuy nhiên, với đối tượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, theo ông Phạm Đình Thi, dù thiệt hại ít hay thiệt hại nhiều đều được gia hạn. "Cứ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là được gia hạn, không phân biệt. Thực tế, số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được gia hạn trong nghị định này chiếm tới 93% số doanh nghiệp thực tế đang kinh doanh và đang có kê khai nộp thuế", ông Thi nhấn mạnh.
Chính sách sẽ được thực hiện ngay
Chia sẻ về cách thức thực hiện gia hạn, ông Thi cho biết, doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng gia hạn gửi Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất đối với các khoản thuế, tiền thuê đất được gia hạn theo mẫu ban hành kèm theo nghị định này cho cơ quan thuế quản lý chậm nhất là ngày 31/5/2020 (theo phương thức điện tử hoặc phương thức khác do người nộp thuế lựa chọn).
Như vậy, hàng tháng, theo quy định của pháp luật về quản lý thuế, đối tượng nộp thuế vẫn phải kê khai, nhưng gửi Giấy đề nghị gia hạn, thì cơ quan thuế sẽ có trách nhiệm rà soát và gia hạn.
“Bộ Tài chính sẽ không ban hành thông tư hướng dẫn nghị định, mà đã quy định rõ trong Dự thảo nghị định để chính sách ban hành được thực hiện ngay”, ông Thi nói.
Nói thêm về nội dung này, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuộc Tổng cục Thuế cho biết, Dự thảo nghị định đã quy định rất rõ những ngành nghề được ưu đãi, hỗ trợ và chiểu theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg về ban hành Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam. Các doanh nghiệp đối chiếu theo quyết định này để xác định mình thuộc đối tượng được gia hạn hay không.
“Không lo doanh nghiệp không tiếp cận được thông tin, bỏ lỡ quyền lợi của mình bởi hiện nay hơn 99% doanh nghiệp đang kê khai, nộp thuế điện tử và tiếp cận các văn bản quy phạm pháp luật khá đầy đủ, nên chắc chắn doanh nghiệp sẽ biết và nắm được để đến kê khai”, ông Huy nói.
Với thắc mắc về quy định “Danh mục các ngành kinh tế” mà các doanh nghiệp, cá nhân hoạt động, được gia hạn tiền thuế, được hiểu như thế nào cho đúng, ông Phạm Đình Thi cho biết, quy định Danh mục ngành kinh tế được xác định theo Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 6/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trong đó có 5 cấp độ.