Sôi động “phiên chợ” cuối năm

(BĐT) - Những ngày cuối năm 2016, thị trường chứng khoán Việt Nam dồn dập đón hàng loạt “tân binh” khổng lồ. 
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn sắp chào bán cổ phần lần đầu và niêm yết cổ phiếu
Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn sắp chào bán cổ phần lần đầu và niêm yết cổ phiếu

Có thể kể đến “ông lớn” Novaland với vốn điều lệ trên 5.000 tỷ đồng, giá trị vốn hóa ở vào khoảng 1,6 tỷ USD, 2 “ông lớn” ngành bia là Habeco và Sabeco trước đó cũng đã nhanh chóng lọt Top những doanh nghiệp (DN) có giá trị vốn hóa hàng tỷ USD… Ngoài ra, 2 hãng máy bay có thị phần lớn nhất Việt Nam cũng rục rịch lên sàn là Vietnam Airlines và Vietjet Air.               

Thông tư 115 và sức ép cổ phần hóa

Ngoài những DN đã niêm yết, đăng ký giao dịch với lịch trình cụ thể, thị trường cũng ghi nhận một loạt DN khác đang xếp hàng lên kế hoạch IPO (chào bán cổ phần lần đầu) và niêm yết. Có thể kể đến Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty Điện lực Dầu khí, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam (Idico), Tổng công ty Công nghiệp xi măng (Vicem), 3 công ty phát điện Genco 1, 2 và 3…

Thông tư 115/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về việc gắn hoạt động đấu giá tại các sở giao dịch chứng khoán với đăng ký giao dịch cổ phần của DNNN sau cổ phần hóa (CPH) đã là một “liều thuốc” xúc tác mạnh mẽ. Theo đó, chỉ sau khoảng 20 ngày làm việc kể từ ngày hết hạn thanh toán tiền mua cổ phần qua đấu giá, nhà đầu tư mua cổ phần qua đấu giá đã có thể giao dịch cổ phần trên thị trường UPCoM. Từ trước đến nay, việc IPO không gắn liền với niêm yết và đăng ký giao dịch đã khiến các DNNN chây ì, khiến lộ trình thoái vốn nhà nước bị ảnh hưởng nặng nề. Habeco và Sabeco sau cả chục năm CPH mới chính thức thực hiện đăng ký giao dịch và niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung, đã gây ra nhiều tranh cãi.

2016 có thể coi là năm thành công của các thương vụ đấu giá cổ phần. Đặc biệt, sau khi Thông tư 115 ra đời là “chất kết dính” giữa việc IPO và niêm yết, đăng ký giao dịch. Chưa bao giờ thị trường UPCoM được chú ý nhiều như lúc này. Một thống kê từ Chứng khoán Rồng Việt cho thấy, trong năm 2016, tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các DN trên sàn UPCoM đạt trên 7%. Trước đó, tỷ lệ này gần đạt con số 3% vào năm 2015 và gần như bằng 0 vào năm 2014.

Việc thoái vốn, CPH giúp ngân sách bớt đi gánh nặng, đồng thời thổi một luồng gió mới vào các DNNN ít nhiều trì trệ bởi cơ chế.

Báo cáo chiến lược năm 2016 của Chứng khoán Rồng Việt nhận định, Việt Nam là nước có tỷ lệ tài sản DNNN/GDP ở mức cao so với các quốc gia lân cận, đạt gần 80%, chỉ thua Trung Quốc (khoảng 150%). Vì vậy, sẽ còn nhiều việc phải làm đối với các DNNN trong thời gian tới. 

Những con số biết nói

Trong năm 2016, theo thống kê của Bộ Tài chính, Nhà nước đã thoái vốn khỏi các DN được 3.646 tỷ đồng, số tiền thu về đạt 6.840 tỷ đồng. Số liệu này của Bộ Tài chính chưa tính đến thương vụ khổng lồ và phức tạp khi SCIC thoái vốn khỏi Vinamilk do đơn vị trúng đấu giá chưa hoàn tất việc thanh toán tiền.

Sau 7 năm hoạt động, tính đến 16/12/2016, UPCoM có 394 DN đăng ký giao dịch. Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo, giá trị vốn hóa của thị trường UPCoM có thể lên tới gần 13 tỷ USD, dự kiến sẽ gấp đôi so với thị trường niêm yết của HNX hiện nay (khoảng 7 tỷ USD). 

Các số liệu nói trên cho thấy rằng, việc thoái vốn cùng với đăng ký giao dịch năm 2016 đã thực sự bùng nổ. Lượng hàng hóa cung tăng đột biến cùng với những thương vụ thoái vốn khủng đã khiến thị trường chứng khoán xôm tụ lên rất nhiều.

Chuyên đề