REE tham gia thâu tóm Viwasupco

(BĐT) - Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) vừa công bố danh sách 2 nhà đầu tư đáp ứng điều kiện tham gia đấu giá 51% cổ phần Công ty CP Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) do Vinaconex nắm giữ:  Công ty CP Cơ điện lạnh (REE) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái. Dường như REE đã có sự chuẩn bị rất kỹ lưỡng để thâu tóm Viwasupco.
Ảnh Internet
Ảnh Internet

“Dự trữ” hơn 2.784 tỷ đồng trước thời điểm đấu giá

Theo quy chế bán đấu giá cổ phần Viwasupco mà Vinaconex công bố, 25,5 triệu cổ phần của Viwasupco được bán với giá khởi điểm là 39.904 đồng/cổ phần.

Đáng chú ý, nhà đầu tư nhận chuyển nhượng cổ phần của Viwasupco từ Vinaconex phải cam kết ủng hộ để Viwasupco ký hợp đồng giao cho Vinaconex thi công toàn bộ phần xây dựng Dự án Đầu tư hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miêu Môn - Hà Nội - Hà Đông giai đoạn 2 (Dự án Nước Sông Đà giai đoạn 2). Như vậy, để thực hiện việc thâu tóm 51% vốn điều lệ của Viwasupco, nhà đầu tư phải bỏ ra ít nhất hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong số 2 doanh nghiệp sẽ cạnh tranh để sở hữu vốn cổ phần của Vinaconex tại Viwasupco thì Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái đang là cổ đông lớn của Viwasupco - nắm giữ 34,1% vốn điều lệ. Vì vậy, trước khi danh sách nhà đầu tư tham gia đấu giá cổ phần Viwasupco được công bố, giới đầu tư cho rằng, nhiều khả năng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái sẽ mua lại số cổ phần Viwasupco của Vinaconex.

Dường như không có bất cứ thông tin nào về năng lực tài chính của Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái được công bố.

Đối với REE, theo báo cáo tài chính quý III/2017, tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty tại thời điểm ngày 30/9/2017 lên đến 2.507 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với con số 960 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm 2017. Nếu tính cả khoản tiền gửi ngắn hạn tại ngân hàng thì tổng số tiền của REE tại thời điểm cuối quý III/2017 là 2.784 tỷ đồng, tăng 72% so với thời điểm đầu năm.

Nguồn tiền dồi dào của REE chủ yếu đến từ vay nợ dài hạn. Tại thời điểm 30/9/2017, vay và nợ dài hạn của Công ty là 2.164 tỷ đồng, gấp 2,4 lần so với con số thời điểm đầu năm. Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng cho biết tiền vay ngắn hạn và dài hạn mà REE nhận được trong 9 tháng đầu năm 2017 là 3.116 tỷ đồng. 

Đại gia đầu tư doanh nghiệp ngành điện - nước

REE được thành lập năm 1977 và bắt đầu với hoạt động chính về sản xuất thiết bị điện lạnh và cơ khí điện lạnh. Hơn 40 năm hoạt động đến nay, REE đã trở thành một doanh nghiệp đa ngành nghề, trong đó lĩnh vực đầu tư tài chính trở thành hoạt động chính.

REE được biết đến như một công ty đầu tư tài chính lớn tại Việt Nam khi đang nắm giữ danh mục các công ty liên doanh, liên kết chuyên hoạt động trong lĩnh vực hạ tầng điện, nước với giá trị lên đến 4.273 tỷ đồng tại thời điểm cuối quý III/2017. Ngoài ra, REE cũng đang góp vốn vào các đơn vị khác trong ngành điện - nước với giá trị tại thời điểm 30/9/2017 là 1.513 tỷ đồng. Chiến lược của REE là nắm giữ cổ phần lớn hoặc chi phối tại công ty chuyên hoạt động trong lĩnh vực này.

Thực chất REE đã bắt đầu tham gia đầu tư trong lĩnh vực tài chính từ những năm 2000, khi đó REE là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Sacombank. REE không tham gia nhiều vào việc mua bán cổ phần trên sàn chứng khoán, mà tập trung chính vào việc đầu tư dài hạn vào những doanh nghiệp trong tầm ngắm.

Báo cáo tài chính quý III/2017 của REE cho thấy, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 1.083 tỷ đồng và 398 tỷ đồng, tăng lần lượt 15,5% và 50,75% so với cùng kỳ năm 2016. Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu của REE đạt 3.327 tỷ đồng, tăng 41% so với 9 tháng 2016. Còn lợi nhuận sau thuế đạt 1.099 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với con số 535 tỷ đồng trong 9 tháng 2016. Trong đó, lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết 9 tháng đạt 570 tỷ đồng, chiếm 46% tổng lợi nhuận trước thuế.

Về phía Vinaconex, nếu thương vụ đấu giá thành công sẽ mang về cho DN này lượng tiền mặt tương đối lớn. Điều này sẽ làm tăng tính hấp dẫn của cổ phiếu chính DN này trong đợt thoái vốn của SCIC tới đây.

Chuyên đề