Lỡ ôm cổ phiếu tăng trưởng nóng

(BĐT) - Cổ phiếu tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp tranh thủ phát hành thêm, tăng dồn dập vốn điều lệ - đã và đang gây những rủi ro khó lường đối với nhà đầu tư.
Có giai đoạn cổ phiếu TSC tăng nóng từ mức xung quanh 7.000 đồng lên tới 50.000 đồng
Có giai đoạn cổ phiếu TSC tăng nóng từ mức xung quanh 7.000 đồng lên tới 50.000 đồng

Không trích lập dự phòng

Công ty CP Nông dược H.A.I (mã chứng khoán HAI) là một doanh nghiệp được thành lập từ năm 1986, cổ phần hóa năm 2005. Sau đó 1 năm, Nông dược H.A.I chính thức niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tháng 9/2014, SCIC hoàn tất thoái vốn khỏi Nông dược H.A.I.

Hiện tại, cổ đông lớn nhất của Nông dược H.A.I là Công ty CP Tập đoàn FLC, một trong những doanh nghiệp có tốc độ tăng vốn nhanh nhất thị trường. FLC, nắm giữ 15 triệu cổ phiếu Công ty, tương đương 12,79% vốn điều lệ. Được biết, FLC mua 15 triệu cổ phiếu HAI với mức giá 12.500 đồng/CP. Giá vốn của khoản đầu tư này là 187,5 tỷ đồng. Hiện tại, mức giá của HAI chỉ xung quanh 5.000 đồng. Giá thị trường do vậy chỉ còn khoảng 75 tỷ đồng, “hao hụt” khoảng 60% so với giá gốc.

Được biết, cổ phiếu HAI đã có giai đoạn tăng trưởng nóng trước khi vốn điều lệ chính thức được tăng từ mức 174 tỷ đồng lên mức 1.173 tỷ đồng hiện tại. Từ mức giá xung quanh 9.000 đồng/CP, HAI liên tục leo dốc, có lúc đạt 58.000 đồng/CP.

Chung số phận với FLC là 9 nhà đầu tư đã giúp Nông dược H.A.I giải quyết 26,9 triệu CP trong đợt phát hành thêm 52,2 triệu CP cho cổ đông hiện hữu (nhưng chỉ 25,4 triệu CP được cổ đông hiện hữu mua vào). Cũng với mức giá 12.500 đồng/CP, 9 nhà đầu tư này đang ôm khối tài sản tổng cộng 336,3 tỷ đồng nhưng giá trị thực tế giờ chỉ còn khoảng 134,5 tỷ đồng.

Rủi ro đã dừng lại?

Cũng vào cuối năm 2014, một doanh nghiệp khác là Công ty CP Vật tư kỹ thuật Nông nghiệp Cần Thơ (mã chứng khoán TSC) cũng có kịch bản tương tự khi cổ phiếu Công ty bỗng dưng tăng nóng từ mức xung quanh 7.000 đồng lên tới 50.000 đồng. Trên đà tăng nóng, TSC đã tranh thủ phát hành thêm cổ phiếu, tăng vốn điều lệ từ mức 158 tỷ đồng lên mức 1.476 tỷ đồng hiện tại. Công ty CP Đầu tư F.I.T (mã chứng khoán FIT) tham gia khá sâu vào quá trình tăng vốn và đang nắm 51% cổ phần TSC. F.I.T cũng bỏ ngỏ việc mua thêm từ 10 triệu đến 30 triệu cổ phiếu TSC thông qua khớp lệnh hoặc thỏa thuận trong thời gian tới. Đầu năm 2016, F.I.T bất ngờ bán ra 11,5 triệu cổ phiếu TSC.

Đáng lưu ý, tại thời điểm cuối năm 2015, FIT nắm giữ 86,8 triệu cổ phiếu TSC, tương đương 58,82% vốn điều lệ công ty này. Giá vốn khoản mục đầu tư vào công ty con TSC được F.I.T ghi nhận là 937,2 tỷ đồng, tương đương mức giá gần 10.800 đồng/CP. Tại thời điểm cuối năm 2015, thị giá của TSC đang đạt gần 14.000 đồng. Hiện tại, giá cổ phiếu TSC chỉ quanh mức 8.200 đồng, giảm 24% so với giá vốn ghi nhận của FIT.

Với TSC, trong đợt tăng vốn khủng gần đây nhất vào tháng 9 năm ngoái (phát hành cho cổ đông hiện hữu 73,8 triệu cổ phần), đã có tới 963 cổ đông hiện hữu đăng ký mua gần hết số lượng cổ phần chào bán. Ngoài ra, còn có 5 nhà đầu tư khác đăng ký mua toàn bộ số lượng cổ phần còn lại, TSC thu về 738 tỷ đồng từ đợt phát hành này (giá 10.000 đồng/CP). So với cổ đông của Nông dược H.A.I, cổ đông TSC có vẻ ít rủi ro hơn khi giá cổ phiếu TSC chưa giảm quá sâu so với nửa năm trước. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là rủi ro đã dừng lại khi quy mô vốn của TSC đã phình to quá nhanh, những bài học về tăng trưởng nóng vẫn chưa bao giờ cũ.

Chuyên đề