Kẻ khóc, người cười khi đấu giá cổ phần

Trong khi các doanh nghiệp tư nhân có thể hút hàng trăm triệu USD từ chào bán cổ phần thì nhiều tập đoàn Nhà nước vẫn trầy trật thoái vốn.

Cuối tháng 11, FinanceAsia đã chọn thương vụ bán cổ phần tại Vincom Retail (mã CK: VRE) là “giao dịch đầu tư vốn cổ phần tư nhân thành công nhất châu Á Thái Bình Dương” trong năm 2017, với giá trị giao dịch đạt mức kỷ lục 741 triệu USD. Thương vụ này được thực hiện thông qua việc chào bán 21,8% cổ phần VRE từ các cổ đông hiện hữu của công ty dưới hình thức dựng sổ. Đây cũng là lần đầu tiên cổ phiếu thứ cấp của một doanh nghiệp Việt Nam được chào bán theo tiêu chuẩn 144A - chuẩn mực chào bán khắt khe cho các nhà đâu tư QIBs của Mỹ.

Thương vụ chào bán cổ phiếu lần đầu (IPO) của HDBank mới đây cũng ghi nhận là thương vụ có giá trị lớn thứ 2 trong lịch sử hệ thống ngân hàng với số tiền huy động được đạt 300 triệu USD, chỉ sau quy mô 463 triệu USD của Vietcombank năm 2007. VPBank, cuối tháng 8, cũng có phiên chào sàn với hơn 58 triệu cổ phiếu được trao tay. 

Tuy nhiên, trái với những thương vụ đấu giá cổ phần thành công, thị trường cũng chứng kiến không ít trường hợp "bom tấn" đã trở thành "bom xịt" với nhiều tổng công ty lớn. 

Hơn 311 triệu cổ phần của Becamex được đưa ra đấu giá cuối tháng 11 nhưng khối lượng bán thành công chỉ gần 19 triệu đơn vị, tương đương hơn 6%. Hay như phiên đấu giá cổ phần của công ty mẹ Tổng công ty Sông Đà mới đây. Tổng công ty này thực hiện IPO gần 220 triệu cổ phần nhưng khối lượng đăng ký chỉ đạt hơn 800.000 đơn vị. 

Vincom Retail là thương vụ kỷ lục về chào bán cổ phần trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Có nhiều lý do để giải thích cho thực trạng này. Theo một số chuyên gia, bên cạnh lý do về tính hấp dẫn với riêng từng doanh nghiệp, sự xuất hiện của nhiều cái tên mới tạo ra một thị trường hàng hóa lớn hơn.

"Khi thị trường có nhiều sự lựa chọn hấp dẫn hơn, sự phân hóa sẽ diễn ra rõ rệt. Sẽ có những khoản đầu tư được săn đón, nhưng cũng có những khoản đầu tư không được để mắt tới", một chuyên gia đánh giá.

Như trường hợp Becamex, theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, trong số các mảng hoạt động của tổng công ty này thì điểm sáng hiếm hoi là hạ tầng khu công nghiệp. Liên doanh VSIP mà Becamex sở hữu 49% vốn góp là một trong những nhà phát triển đứng đầu hiện nay và đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của tổng công ty. Tuy nhiên, mảng kinh doanh bất động sản - chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản, lại ở chiều hướng ngược lại.

Dự án lớn nhất mà Becamex thực hiện là Thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương với tổng diện tích 1.000 ha. Từng được kỳ vọng sẽ thu hút được 400.000 người, tuy nhiên dự án có quy mô gần 10 tỷ USD đang trở thành gánh nặng tài chính cho Becamex. Đây cũng là vấn đề chính khiến nhiều nhà đầu tư e ngại với mức giá 31.000 đồng cho mỗi cổ phần được Becamex đưa ra.

Với Tổng công ty Sông Đà, hiệu quả kinh doanh thấp và cơ cấu tài chính mất cân đối là những yếu tố làm giảm sức hấp dẫn trong phiên IPO gần đây. Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của đơn vị này, hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ, dù giảm so với những năm trước, nhưng vẫn lên tới 6,6 lần. Tổng vốn vay và nợ thuê tài chính đạt gần 6.850 tỷ đồng, chiếm 55% tổng nợ phải trả.

Trong khi đó, hiệu quả kinh doanh của đơn vị này không thực sự cao. Hệ số lợi nhuận trên doanh thu trong 3 năm gần nhất chỉ đạt 1-6%. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, tỷ lệ này chỉ còn 2%.

Ở chiều hướng ngược lại, sự khởi sắc của thị trường chứng khoán và xu hướng trở lại của khối ngoại đang trở thành "thiên thời" cho nhiều doanh nghiệp tư nhân thực hiện bán cổ phần - những khoản đầu tư được đánh giá là hấp dẫn hơn.

Vincom Retail hiện là nhà phát triển, sở hữu và vận hành trung tâm thương mại bán lẻ lớn nhất Việt Nam. Năm 2017, công ty đặt chỉ tiêu doanh thu thuần hơn 4.600 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 2.133 tỷ đồng. Năm 2018, Vincom Retail đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 75% và 55%. So với một số cái tên trong ngành, đơn vị này tỏ ra nổi trội hơn về quy mô, thị phần và kết quả hoạt động.

Sự trở lại của nhóm "cổ phiếu vua" trong những tháng đầu năm 2017 cũng tạo sức hấp dẫn cho những ngân hàng đặt mục tiêu huy động vốn ngoại và lên sàn niêm yết cuối năm. Thực tế cả HDBank và VPBank đều chào bán thành công với khối lượng đăng ký vượt ra số cổ phần chào bán.

Thực trạng phân hóa trong đấu giá cổ phần đang mở ra cả cơ hội và thách thức với nhiều doanh nghiệp. Một mặt những doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội này để huy động vốn, đặc biệt là dòng vốn từ những nhà đầu tư nước ngoài khi niềm tin vào thị trường Việt Nam đang tăng cao. Tuy nhiên, điều này cũng là thách thức khi có thị trường có nhiều "món hàng" hấp dẫn hơn và cuộc chơi sẽ không dành cho tất cả.

Chuyên đề