IPO Bia Việt Hà, có đủ “nồng độ” để say?

Ngày 26/1 tới đây, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà, chủ sở hữu thương hiệu Bia Việt Hà, sẽ bán đấu giá hơn 18,7 triệu cổ phần ra công chúng (IPO). Mặc dù là thương hiệu khá tiếng tăm, nhưng việc Việt Hà đủ hấp dẫn để có thể làm “say” các nhà đầu tư là không dễ.
Công ty cổ phần Tràng An là một trong 4 công ty con của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà. Ảnh: Đức Thanh
Công ty cổ phần Tràng An là một trong 4 công ty con của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Việt Hà. Ảnh: Đức Thanh

Dự kiến, số cổ phần Công ty Đầu tư Việt Hà đưa ra IPO lần này tương đương 24,3% vốn điều lệ, với giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. 

Việt Hà đang sở hữu 4 công ty con gồm Công ty cổ phần Bánh mứt kẹo Hà Nội, Công ty cổ phần Tràng An, Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Việt Hà, Công ty Rượu Quốc tế, cùng 7 công ty đầu tư và liên kết khác. 

Doanh thu chính của Công ty đến từ kinh doanh các sản phẩm về bia bao gồm các sản phẩm bia hơi, bia tươi, bia lon với nhãn hiệu Việt Hà. Tỷ trọng doanh thu về các sản phẩm bia chiếm từ 95,8% đến 97,6% trong tổng doanh thu thuần của Công ty. 

Các sản phẩm bia được cung cấp bởi Công ty cổ phần Bia và Nước giải khát Việt Hà. Công ty này sở hữu một nhà máy sản xuất bia hiện đại với công suất 120 triệu lít/năm.  Mặc dù chưa thể so sánh được về đẳng cấp với Bia Hà Nội, nhưng một số thương hiệu bia như Halida, Bia Việt Hà… cũng là một những cái tên quen thuộc tại miền Bắc. 

Hiện tại, thị trường tiêu thụ chính của sản phẩm bia Việt Hà là miền Bắc và Bắc Trung Bộ. Sản phẩm bia tươi đang được đẩy mạnh phân phối cho các thị trường tiêu thụ là các thành phố lớn, có mật độ dân cư và mức độ tiêu dùng cao. Đối với sản phẩm bia két 20-24 lon, Công ty phân phối khắp cả nước thông qua các đại lý bán lẻ, siêu thị, trung tâm thương mại… 

Mặc dù chưa thể so sánh được về đẳng cấp với Bia Hà Nội, nhưng một số thương hiệu bia như Halida, Bia Việt Hà… cũng là một những cái tên quen thuộc tại miền Bắc.
Ngoài sản phẩm chính là bia, Việt Hà cũng có phần trên thị trường rượu, với sự đóng góp của công ty con là Công ty cổ phần Rượu Quốc tế. Rượu Quốc tế đang có dây chuyền sản xuất rượu Vodka với công nghệ độc quyền của Hãng HETMAN Ltd, UKRAINE có công suất lớn đủ cung cấp cho thị trường Việt Nam.
Từ năm 2011, tận dụng lợi thế về mạng lưới đại lý và các điểm tiêu thụ, Việt Hà tiếp tục tổ chức kinh doanh thêm mặt hàng rượu Vodka với thương hiệu 3zoka, President Gold, Lúa Việt... Năm 2012, doanh thu thuần của nhóm sản phẩm này chỉ chiếm 0,56%, nhưng đến năm 2014 đã tăng lên 2,76% và 9 tháng đầu năm 2015 đạt 1,87% trên tổng doanh thu. 

Ngoài kinh doanh, hình ảnh của Việt Hà còn được “trang sức” bằng 8 lô đất tại các phố Minh Khai, Trương Định, Lĩnh Nam, Nguyễn Chí Thanh, Hàng Trống, Hàng Thiếc, Quán Sứ trên địa bàn Hà Nội và đường Trường Chinh (TP. Nam Định). Các lô đất này có tổng diện tích gần 26.300 m2 để phục vụ sản xuất - kinh doanh theo hình thức thuê đất. 

Đáng chú ý, lô đất số 87 Lĩnh Nam và lô đất số 11 – 13 Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) với diện tích lần lượt là 19.900 m2 và 1.000 m2 đang được thực hiện Dự ánxây dựng Trung tâm thương mại dịch vụ, văn phòng và nhà ở để bán và Dự án xây dựng công trình hỗn hợp và nhà ở để bán.  

Mặc dù cũng có nhiều mặt hàng để “show” với giới đầu tư trước thời điểm ra mắt công chúng, nhưng với giới đầu tư, tình hình kinh doanh vẫn là yếu tố then chốt. Tuy nhiên, kế hoạch lợi nhuận các năm tới lại cho thấy, doanh nghiệp này vẫn đặt mục tiêu khá khiêm tốn, với lợi nhuận giai đoạn 2016 - 2018 chỉ lần lượt là 10 tỷ đồng, 14 tỷ đồng và 19,6 tỷ đồng. 

Nếu xét về tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 769 tỷ đồng, thì ROE năm 2016 dự kiến chỉ khiêm tốn ở mức 1,3%. Tốc độ tăng lợi nhuận trong 2 năm tiếp theo tuy có nhanh, nhưng dự kiến ROE đến năm 2018 cũng chỉ nhích lên mức hơn 2,5%. Đây sẽ là những yếu tố các nhà đầu tư cân nhắc trước khi móc hầu bao trong đợt IPO tới.

Chuyên đề