Đấu giá 'đại gia' Bình Dương lần hai tiếp tục ế

Phiên đấu giá lần hai của Becamex chỉ bán được gần 2% số cổ phần trên tổng số 296 triệu đơn vị đưa ra chào bán.

Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HoSE) vừa thông báo kết quả đấu giá cổ phần lần 2 của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex). Theo đó, phiên đấu giá ngày 3/1 vừa thực hiện chỉ có 4 nhà đầu tư tham gia, với tổng khối lượng mua gần 5,1 triệu cổ phiếu tại mức giá khởi điểm.

Với kết quả này, phiên đấu giá lần hai của Becamex chỉ bán được chưa tới 2% trên tổng số cổ phần đem ra đấu giá là 296 triệu đơn vị. Sau 2 đợt đấu giá, tổng công ty này chỉ bán được tổng cộng hơn 24 triệu cổ phần, chiếm 7,7% trong tổng số 311 triệu cổ phần chào bán.

Trước phiên đấu giá, đợt chào bán cổ phần của Becamex từng được kỳ vọng sẽ tiếp nối thành công của nhiều thương vụ IPO mới thực hiện. Tuy nhiên kết quả thực tế lại cho thấy nhà đầu tư không mấy mặn mà với một tổng công ty đứng đầu về hạ tầng khu công nghiệp và bất động sản tại Bình Dương.

Theo đánh giá của một số chuyên gia phân tích, trong số các mảng hoạt động của tổng công ty này thì điểm sáng hiếm hoi là hạ tầng khu công nghiệp. Liên doanh VSIP mà Becamex sở hữu 49% vốn góp là một trong những nhà phát triển đứng đầu hiện nay và đóng góp phần lớn vào lợi nhuận của tổng công ty. Tuy nhiên, mảng kinh doanh bất động sản - chiếm phần lớn trong cơ cấu tổng tài sản, lại ở chiều hướng ngược lại.

Dự án lớn nhất mà Becamex thực hiện là Thành phố mới Bình Dương nằm trong khu liên hợp Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ Bình Dương với tổng diện tích 1.000 ha. Từng được kỳ vọng sẽ thu hút được 400.000 người, tuy nhiên dự án có quy mô gần 10 tỷ USD đang trở thành gánh nặng tài chính cho Becamex. Mặc dù về cơ bản đã hoàn thiện hạ tầng, nhưng dự án này chỉ thu hút được một bộ phận nhỏ dân cư. Phần lớn diện tích còn lại được đánh giá kém hấp dẫn. Điều này dẫn tới thực tế là tổng tài sản ghi nhận vào giá trị của Becamex có thể rất lớn nhưng tính thanh khoản lại không tương xứng.

Tổng tài sản của Becamex tính đến giữa năm 2017 đạt gần 43.000 tỷ đồng nhưng có đến gần một nửa là hàng tồn kho bất động sản. Trong khi đó, nguồn vốn của tổng công ty này vẫn chủ yếu được tài trợ từ nợ vay. Điều này dẫn tới thực tế là khả năng thanh toán các khoản nợ sẽ không được đảm bảo, trong khi gánh nặng lãi vay ăn mòn phần lớn lợi nhuận làm ra.

Theo báo cáo tài chính riêng, lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm 2017 của Becamex chỉ đạt gần 600 triệu đồng, so với mức 42 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước. Chủ yếu do chi phí lãi vay tăng đột biến lên gần 72 tỷ. Với quy mô vốn điều lệ gần 8.000 tỷ đồng, mức lợi nhuận mà tổng công ty ghi nhận thực sự không tương xứng.

Chuyên đề