Đấu giá cổ phần Sabeco, Habeco: Đầu đã xuôi, đuôi có lọt?

(BĐT) - Hai đợt thoái vốn tại Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã diễn ra hết sức thành công. Nhà đầu tư chấp nhận chi số tiền vượt xa mức giá do các tổ chức tư vấn xác định. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Sự thành công của Vinamilk và Sabeco liệu có giúp cho phiên đấu giá cổ phần của Tổng công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) hấp dẫn hơn 

Mức giá nào cho Habeco?

Phiên đấu giá 53,59% cổ phần của Sabeco được đánh giá là thương vụ lịch sử khi mang về cho ngân sách nhà nước tới 4,8 tỷ USD. Công ty TNHH Vietnam Beverage đã chấp nhận mức giá 320.000 đồng/CP, mức giá mà trước đó nhiều tờ báo nước ngoài cho là quá cao khi so sánh với các thương hiệu lớn cùng ngành.

Trước đó, một nhà đầu tư đến từ Singapore cũng đã bỏ ra gần 9.000 tỷ đồng để mua trọn lô hơn 48,3 triệu cổ phần của Vinamilk tại buổi đấu giá bán vốn nhà nước của Tổng công ty Kinh doanh và Đầu tư vốn nhà nước (SCIC) vào ngày 10/11. Phiên đấu giá này cũng khiến nhiều người bất ngờ khi nhà đầu tư này đã chấp nhận mức giá 186.000 đồng/CP, cao hơn 24% so với mức giá khởi điểm.

Từ sự thành công của Vinamilk và Sabeco, nhà đầu tư kỳ vọng đó sẽ là tiền đề để tiếp tục kỳ vọng vào kết quả của các thương vụ tiếp theo, đặc biệt là Habeco. Vì đây là một doanh nghiệp lớn, cũng hoạt động trong ngành nước giải khát và nằm trong danh mục thoái vốn trong năm 2017.

Nếu chiếu theo nguyên tắc xác định giá cơ bản, cổ phiếu Habeco được bán không dưới giá giao dịch trên thị trường chứng khoán. Giá cổ phiếu Habeco gần đây được giao dịch xung quanh mức giá 120.000 đến 130.000 đồng/CP. Nếu định giá theo P/E thì Habeco đang có mức P/E 4 quý gần đây nhất là 45, cao hơn nhiều so với Carlsberg (P/E là 25,32); San Miguel (P/E là 15,39); Heineken (P/E là 27,68). 

Các chỉ số hiệu quả kinh doanh và tỷ suất sinh lời của Sabeco và Habeco (Đơn vị: %)

Habeco có hấp dẫn bằng Sabeco?

Trong giai đoạn 2014 - 2016, doanh thu của Habeco liên tục tăng trưởng. Cụ thể, doanh thu các năm 2014, 2015, 2016 lần lượt là 7.101 tỷ đồng, 9.638 tỷ đồng, và 9.995 tỷ đồng. Tuy nhiên, tốc độ tăng của giá vốn, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp lại nhanh hơn tốc độ tăng của doanh thu đã làm cho lợi nhuận của Habeco giảm dần trong giai đoạn này. Lợi nhuận năm 2015 là 945 tỷ đồng (giảm 14% so với năm 2014), năm 2016 là 796 tỷ đồng (giảm 15,7% so với năm 2015).

Một phần nguyên nhân là do sản phẩm của Habeco là phân khúc bia phổ thông, có biên lợi nhuận thấp hơn bia cao cấp trong khi chi phí bán hàng, marketing phải gia tăng do áp lực cạnh tranh. Điều này đã làm cho hiệu quả kinh doanh và các chỉ số về khả năng sinh lời của Habeco liên tục sụt giảm trong thời gian này.

Trái ngược với Habeco, doanh thu và lợi nhuận của Sabeco vẫn tăng trưởng đều đặn. Cụ thể, doanh thu năm 2014 là 24.610 tỷ đồng, năm 2015 là 27.144 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2014), năm 2016 là 30.568 tỷ đồng (tăng 12,6% so với năm 2015). Lợi nhuận ròng các năm 2014, 2015 và 2016 lần lượt là 2.808 tỷ đồng, 3.506 tỷ đồng (tăng 25% so với năm 2014), và 4.654 tỷ đồng (tăng 33% so với năm 2015). Với kết quả đó, các chỉ số về hiệu quả kinh doanh và khả năng sinh lời của Sabeco đều tăng trưởng và đến năm 2016 đã bỏ xa Habeco.

Theo ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI), thương vụ thoái vốn ở Sabeco có thể nói là một thương vụ vô cùng hiếm bởi trên thế giới không còn một công ty bia lớn nào lại bán trên 50% ngay trong một đợt chào bán. Đây là sự khác nhau cơ bản giữa thoái vốn ở Sabeco và Vinamilk vì ở Vinamilk việc thoái vốn được chia làm nhiều lô nhỏ. Do tính chất hiếm có của thương vụ Sabeco nên phía người mua cũng rất chọn lọc bởi không phải đối tác nào cũng có đủ năng lực để tiếp quản Sabeco hay có sẵn một lượng lớn tiền mặt.

Xét ở góc độ khách quan, để thành công trong các thương vụ thoái vốn tới, việc định giá và tìm người mua cần phải thực hiện đồng thời và khéo léo. Cách thức lựa chọn đơn vị tư vấn, lựa chọn địa điểm thực hiện roadshow, phương thức cung cấp thông tin cho các nhà đầu tư… Tựu chung là chiến lược bán phải thực hiện một cách bài bản và chuyên nghiệp. Một nhân tố cũng rất quan trọng nữa là không được nóng vội. Người bán nóng vội sẽ tạo lợi thế cho người mua để trả giá thấp. 

Chuyên đề