Đấu giá cổ phần Formach: Vốn nhỏ, quỹ đất lớn

(BĐT) - Tình hình kinh doanh không mấy sáng sủa, nhưng Công ty CP Formach lại sở hữu quỹ đất lớn tại phía Đông Nam Hà Nội. Đây có lẽ là lý do chính khiến giá mỗi cổ phần của Formach trong đợt thoái vốn của Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor) sắp tới được đẩy lên 80.800 đồng, gấp 8,08 lần mệnh giá.
Công ty CP Formach hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy chế biến gỗ, máy lâm nghiệp, thiết bị nâng hạ, chuyển tải. Ảnh: Tường Lâm
Công ty CP Formach hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy chế biến gỗ, máy lâm nghiệp, thiết bị nâng hạ, chuyển tải. Ảnh: Tường Lâm

Công ty CP Formach được xây dựng trên nền tảng của Nhà máy Cơ khí 19/3 - đơn vị được thành lập vào năm 1964 trực thuộc Bộ Lâm nghiệp. Năm 1980 được đổi tên là Nhà máy Chế tạo máy lâm nghiệp và tiếp đến là Công ty Cơ khí lâm nghiệp. Năm 2001, Công ty Cơ khí lâm nghiệp được cổ phần hóa, mang tên Công ty CP Formach.

Formach hoạt động chính trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo máy chế biến gỗ, máy lâm nghiệp, thiết bị nâng hạ, chuyển tải và các sản phẩm cơ khí phục vụ ngành lâm nghiệp. Ngoài ra, Công ty còn kinh doanh bất động sản. Dù có vốn điều lệ vỏn vẹn 13 tỷ đồng nhưng là một doanh nghiệp trực thuộc Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam, một trong những tài sản đáng giá của Formach là các khu đất mà Công ty quản lý, sử dụng.

Theo bản công bố thông tin chào bán cổ phần, Công ty đang quản lý và sử dụng hơn 66.000 m2 đất theo hình thức thuê đất có trả tiền thuê hàng năm. Trong đó, phải kể đến khu đất với diện tích 33.988 m2 tại xã Vĩnh Quỳnh, thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội. Trong đó có 32.202 m2 đất ngoài chỉ giới đường đỏ, tức là phần đất được xây dựng công trình có thời hạn thuê đất 50 năm kể từ ngày 1/1/2016 và 1.786 m2 đất thuê hàng năm nằm trong chỉ giới đường đỏ.

Bên cạnh đó, Công ty cũng đang quản lý và sử dụng 26.673,3 m2 đất tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Khu đất có 23.876 m2 nằm ngoài chỉ giới đường đỏ và 2.772 m2 nằm trong chỉ giới.

Bất động sản huyện Thanh Trì được đánh giá khá tiềm năng trong tương lai khi cuối tháng 10/2019, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng huyện Thanh Trì thành quận đến năm 2025.

Ngoài ra, Formach còn được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất tại ngõ 102 đường Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, Hà Nội theo Quyết định số 5926/QĐ-UBND ngày 12/11/2014. Khu đất này có diện tích 5.098 m2 và đã được xây dựng khu căn hộ cao cấp, văn phòng theo hợp đồng liên danh với Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô.

Trong khi đó, tình hình hoạt động của Formach những năm qua không có nhiều chuyển biến, với doanh thu và lợi nhuận trồi sụt, thiếu ổn định. Doanh thu 2 năm 2017 và 2018 lần lượt đạt 52,6 và 44,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tương ứng là 2,3 tỷ đồng và 29,2 triệu đồng. Lũy kế đến cuối năm 2018, Công ty ghi nhận lỗ 11,7 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu cuối năm 2018 còn khoảng 3,3 tỷ đồng; tổng tài sản ở mức 65 tỷ đồng với phần lớn là nợ phải trả. Hiện Công ty chưa công bố báo cáo tài chính năm 2019.

Ngoài việc kinh doanh kém hiệu quả, báo cáo tài chính của Formach cũng nhận nhiều ý kiến ngoại trừ của kiểm toán về việc đối chiếu, xác nhận công nợ với các đối tác với giá trị lên tới hàng chục tỷ đồng. Điều đó cho thấy nguy cơ thất thoát tài sản của Formach do không quản lý chặt chẽ công nợ phải thu.

Ngày 1/6/2020, Vinafor sẽ đưa toàn bộ 362.410 cổ phần tại Formach (tương ứng 27,78% vốn điều lệ) ra bán đấu giá tại Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội, với tổng giá trị hơn 29 tỷ đồng. Theo bản công bố thông tin, ngoài Vinafor, có 5 cá nhân khác là cổ đông lớn của Formach (nắm giữ hơn 5%) với tỷ lệ sở hữu 58,21% vốn điều lệ.

Chuyên đề