Cổ phiếu của “ông lớn” ngành nhôm sắp lên sàn có gì hấp dẫn?

(BĐT) - Công ty CP Nhôm Sông Hồng (Shalumi) đang hoàn tất các thủ tục để lên niêm yết trên thị trường chứng khoán tập trung. Doanh nghiệp (DN) sản xuất trong lĩnh vực đặc thù với doanh thu 1.000 tỷ đồng mỗi năm có gì hấp dẫn nhà đầu tư?
Với doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm, Shalumi là doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước có quy mô lớn nhất hiện nay. Ảnh: Ngân Giang
Với doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm, Shalumi là doanh nghiệp sản xuất nhôm trong nước có quy mô lớn nhất hiện nay. Ảnh: Ngân Giang

Kinh nghiệm làm nghề lâu năm

Shalumi tiền thân là Công ty Nhôm Sông Hồng - doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Xây dựng được thành lập vào tháng 4/1999 theo Quyết định số 398/QĐ-BXD ngày 1/4/1999. Tháng 10/2004, Công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình Công ty cổ phần theo Quyết định số 1321/QĐ-BXD ngày 16/8/2004 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng với tên gọi là Công ty CP Nhôm Sông Hồng. Shalumi đã phát triển qua gần 20 năm. Sản phẩm nhôm định hình có chất lượng cao, đa dạng và chiếm lĩnh thị phần rộng lớn chính là những giá trị mà DN này tích lũy trong gần 2 thập kỷ qua. Công ty hiện chiếm lĩnh khoảng 10 - 12% thị phần khung nhôm định hình với 63 đại lý lớn trên khắp cả nước.

Hiện tại, Shalumi có tổng số đầu sản phẩm nhôm thanh định hình lên đến gần 200 với 3 dòng sản phẩm chủ lực: sơn tĩnh điện, mạ anod và phủ phim vân gỗ. Sản phẩm nhôm thanh định hình của Shalumi cung cấp cho các lĩnh vực: xây dựng (làm cửa các loại, cầu thang, trần nhà, đồ nội thất,...), sản xuất công nghiệp công nghệ cao (điện tử, y tế, thiết bị sản xuất điện năng lượng mặt trời...). Sự khác biệt của sản phẩm Shalumi với các DN cùng ngành là chất lượng cao nhưng giá cả lại vừa phải do Công ty có kinh nghiệm sản xuất, tiết giảm mạnh chi phí đầu vào, phù hợp với đối tượng khách hàng có thu nhập trung bình.

Ngoài tiêu thụ trong nước, Shalumi còn xuất khẩu sang nhiều thị trường yêu cầu khắt khe về chất lượng. Đây là điểm rất quan trọng và có lợi thế hơn một số DN cùng ngành vì Shalumi đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe của các tập đoàn công nghiệp khó tính ở nước ngoài. Do vậy, việc gia tăng thị phần ở các thị trường khác không khó đối với Shalumi trong khi các DN cùng ngành không có lợi thế này. 

Tích cực đầu tư

Ngoài tiêu thụ nội địa, sản phẩm của Shalumi là nguyên liệu đầu vào cho nhiều hãng danh tiếng như Samsung, Hyundai (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản), Giorgia Import and Trading (USA), Metal Progroup (USA), Global Products (USA), S-ONE (Thái Lan)...
Quyết tâm trở thành DN sản xuất nhôm số 1 Việt Nam với số lượng lớn sản phẩm xuất khẩu ra thị trường nước ngoài vào năm 2020, Shalumi đã mạnh tay đầu tư xây dựng hệ thống nhà xưởng, máy móc sản xuất khép kín. Trong 2 năm vừa qua, Công ty đã hoàn thành đầu tư và đưa vào hoạt động các dây chuyền sản xuất mới với tổng giá trị lên đến gần 40 tỷ đồng.

Cụ thể, Shalumi đã đầu tư mở rộng dây chuyền máy ép công suất 2.250 tấn đạt công suất 20.000 tấn/năm với 1 xưởng đúc, 9 máy cán ép, 5 dây chuyền sơn tĩnh điện và vân gỗ, 1 dây chuyền đánh bóng inox, 2 dây chuyền xi mạ. Công ty cũng đi sâu vào chế tạo nhôm thành phẩm có mức lợi nhuận cao hơn như: cửa nhôm các loại, trần nhôm, vách nhôm, mái che...

Shalumi cũng đã đầu tư 28 tỷ đồng để xây dựng dây chuyền đúc hợp kim nhôm, công suất 1.800 tấn/năm. Đặc điểm vượt trội của dây chuyền này là công nghệ hiện đại giúp tiết kiệm nhiên liệu (tiêu hao 60 lít dầu FO/tấn thay vì 160 lít/tấn như trước đây) và bảo vệ môi trường (công nghệ đúc không khói).

DN này còn đầu tư 11 tỷ đồng cho dây chuyền sơn tĩnh điện và sơn vân gỗ. Các dây chuyền được nhập khẩu công nghệ và thiết bị của Mỹ có công suất 5.000 tấn/năm, tự động hoàn toàn và rất tiết kiệm vật tư tiêu hao. 

DOANH THU LỢI NHUẬN QUA CÁC NĂM

Tăng trưởng mạnh sản lượng và doanh thu

Sự tăng trưởng doanh thu trong 3 năm gần đây của Shalumi với doanh số lên trên 1.000 tỷ đồng/năm là mức tăng trưởng khá ấn tượng của DN (mỗi năm đều ở mức 2 con số và trên 10% mỗi năm). Cụ thể, năm 2015, Công ty đạt 1.100 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận đạt 9,5 tỷ đồng. Năm 2016, doanh thu đạt 1.200 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 16 tỷ đồng. Năm 2017, Công ty lên kế hoạch doanh thu gần 1.320 tỷ đồng, lợi nhuận 25 tỷ đồng, cổ tức chi trả thấp nhất 10% bằng tiền mặt.

Mặc dù lợi nhuận của Shalumi so với doanh thu hiện tại đang khá thấp, tuy nhiên, cũng cần hiểu trong những năm vừa qua, Công ty đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng sản xuất, cùng với dùng đòn bẩy tài chính cao để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường, dẫn đến các khoản chi phí lãi và khấu hao lớn làm giảm lợi nhuận trong những năm đầu.

Dự báo lợi nhuận trong các năm tới của Shalumi sẽ được cải thiện khi chi phí tài chính giảm dần (giảm trả lãi ngân hàng); tỷ lệ khấu hao giảm giúp tăng lợi nhuận và quản lý chi phí tốt hơn. Những yếu tố này giúp kỳ vọng biên lợi nhuận ròng của DN có thể tăng thêm 1,5 - 2%/doanh thu, tương ứng giúp lợi nhuận có thể tăng thêm từ 15 - 20 tỷ đồng mỗi năm so với hiện tại.

Có thể thấy, Shalumi hiện đang là DN rất tiềm năng trong ngành nhôm với thị phần, quy mô đang mở rộng (không nhiều DN trong ngành có doanh số hàng năm đến hàng nghìn tỷ đồng). Mặc dù hiện tại DN vẫn còn một số điểm hạn chế như tỷ lệ nợ cao, lợi nhuận thấp, nhưng như đánh giá ở trên thì đây chỉ là vấn đề ngắn hạn của DN.

Từ năm 2016, Shalumi đã có kế hoạch cơ cấu lại tài chính và quản lý chi phí hiệu quả nhằm cải thiện lợi nhuận. Thời gian tới, triển vọng tăng trưởng của DN này là rất tích cực khi thị trường bất động sản, xây dựng hồi phục mạnh làm tăng nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nhôm thanh định hình. Điều này sẽ giúp Shalumi tăng trưởng nhanh hơn nữa.

Chuyên đề