Chính phủ “bật đèn xanh”, siêu tổng công ty ACV tự tin đàm phán bán cổ phần

Việc có thêm tư vấn tài chính và pháp lý sẽ khiến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - Công ty cổ phần (ACV) tự tin trong quá trình đàm phán với đối tác chiến lược nước ngoài là Aéroports de Paris.
ACV có thể được phép tiến hành chỉ định thầu tổ chức tư vấn bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.
ACV có thể được phép tiến hành chỉ định thầu tổ chức tư vấn bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược.

Công tác lựa chọn tư vấn pháp lý và tư vấn tài chính hỗ trợ quá trình đàm phán với đối chiến lược nước ngoài của ACV đã tiến thêm những bước dài.

Cụ thể, vào giữa tuần qua, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã đồng ý để liên bộ Tài chính – Giao thông - Vận tải được vận dụng quy định về lựa chọn tư vấn định giá tại Nghị định số 116/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành công ty cổ phần để lựa chọn tổ chức tư vấn bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược ACV.

Khi Chính phủ “bật đèn xanh”, ACV sẽ được phép tiến hành chỉ định thầu, rút ngắn đáng kể thời gian lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho việc đàm phán bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược đang vào giai đoạn gấp rút.

Trước đó, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề xuất chỉ định thầu cho Công ty cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) là đơn vị đã tư vấn cổ phần hóa ACV tiếp tục tư vấn tài chính bán chiến lược. Gói thầu chỉ khoảng 2,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 6 tháng thì riêng để xin được vận dụng quy định tại Nghị định số 116/2015/NĐ-CP đã “ngốn” của ACV hơn 4 tháng.

Được biết, đầu tháng 6/2016, Bộ Giao thông - Vận tải đã phê duyệt kết quả đấu thầu Gói thầu “Lựa chọn tổ chức tư vấn luật để tiến hành đàm phán với nhà đầu tư chiến lược về mua/bán cổ phần của Công ty mẹ - ACV”. Theo đó, nhà thầuđược chọn để trao gói thầu này là Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn YKVN, với giá trúng thầu là 6 tỷ đồng (đã bao gồm thuế giá trị gia tăng). Thời gian thực hiện hợp đồng được chốt là ngay sau khi hợp đồng được ký kết và theo kế hoạch đàm phán với nhà đầu tư chiến lược, sẽ phải hoàn thành trước ngày 31/12/2016.

Được biết, YKVN là công ty luật Việt Nam có phạm vi hoạt động tư vấn đa dạng ở cả trong nước và quốc tế. Với hai văn phòng hoạt động trong một hệ thống thống nhất tại Hà Nội và TP.HCM, YKVN gần đây mở thêm văn phòng tại Singapore để mở rộng hoạt động tư vấn trong các giao dịch quốc tế.

“Với việc sắp có đủ hai công cụ tư vấn, ACV sẽ có thêm tự tin cần thiết trong quá trình đàm phán về giá cũng như pháp lý với Aéroports de Paris”, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Hồng Trường nói.

Hiện Tổ đàm phán ACV và Tập đoàn ADP đã tiến hành 3 phiên họp chính thức và đi đến thống nhất là, các bên sẽ cố gắng hoàn tất giao dịch trong năm 2016.

“Tập đoàn ADP đề xuất đến tháng 9/2016, quá trình đàm phán cần đạt được những thống nhất cơ bản về điều khoản đầu tư nhằm tạo một trong những tiền đề cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp vào tháng 9/2016”, ông Trường cho biết.

Cần phải nói thêm rằng, ADP là đối tác “dạm ngõ” sớm nhất, khi đúng 48 giờ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa ACV, tập đoàn này đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải xác nhận quyết tâm trở thành cổ đông chiến lược.

Nhà đầu tư ngoại này chào giá mua chiến lược bằng giá đấu giá thành công thấp nhất trong đợt phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của ACV, tức là không thấp hơn 13.100 đồng/cổ phần.

Là tập đoàn toàn cầu trong ngành công nghiệp hàng không, ADP có vốn chủ sở hữu tại thời điểm ngày 31/12/2014 là 4,81 tỷ USD, đang trực tiếp vận hành 37 cảng hàng không trên toàn thế giới thông qua công ty con là Công ty Quản lý Airports de Paris (ADPM), trong đó có những cảng hàng không lớn nhất châu Âu như Paris - Charles de Gaulle và Paris - Orly. Năm 2014, các cảng hàng không tại châu Âu, châu Á, Nam Mỹ do ADP vận hành có tổng doanh thu lên tới 3,377 tỷ USD, lợi nhuận sau thuế đạt 0,486 tỷ USD.

Trong khi đó, chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần tư từ cuối tháng 3/2016, ACV có vốn điều lệ 21.000,771 tỷ đồng, tương ứng hơn 2,177 tỷ cổ phần có mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó, cổ phần Nhà nước nắm giữ là gần 2,077 tỷ cổ phần (chiếm 95,4% tỷ lệ nắm giữ), cổ đông khác là trên 100,23 triệu cổ phần (chiếm 4,6%). Trước đó, Nhà nước nắm 75% vốn, nhà đầu tư chiến lược nắm 20% vốn và nhà đầu tư thông thường nắm 3,47% vốn.

Tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần đầu, ACV đã đưa ra một số chỉ tiêu chủ yếu trong kế hoạch kinh doanh năm 2016. Cụ thể, sản lượng hành khách dự kiến đạt hơn 73 triệu lượt, tăng 12,4% so với kết quả năm 2015. Trong đó, hành khách quốc nội chiếm gần 53 triệu lượt. Số chuyến hạ cất cánh thương mại đạt gần 516.000 lượt chuyến bay. Năm nay, ACV dự kiến đạt doanh thu gần 12.100 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hơn 2.000 tỷ đồng.

Chuyên đề