Xử lý nợ xấu: “Mắc” ở tài sản bảo đảm

(BĐT) - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, từ 15/8/2017 (thời điểm hiệu lực của Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD)) đến 31/8/2019, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu.
Trong 2 năm, các ngân hàng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Lê Tiên
Trong 2 năm, các ngân hàng đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Ảnh: Lê Tiên

Đây là dấu hiệu cho thấy công tác xử lý nợ xấu đã được cải thiện. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, cần sớm tháo gỡ những vướng mắc khi giải quyết tài sản bảo đảm.

Chưa nhất quán trong thực thi

Đề cập đến những khó khăn trong xử lý tài sản bảo đảm khi giải quyết nợ xấu, ông Nguyễn Văn Du, Quyền Chánh Thanh tra giám sát thuộc NHNN cho biết, điểm vướng rõ nhất hiện nay là thực hiện thứ tự ưu tiên thanh toán. Theo đó, NHNN tiếp tục nhận được kiến nghị của các TCTD phản ánh về việc phải nộp các khoản thuế trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là các TCTD. Điều đó đã làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD, nhiều trường hợp số tiền bán tài sản bảo đảm không đủ thu hồi nợ cho TCTD nhưng vẫn phải nộp thuế, gây khó khăn cho cả bên bảo đảm và bên nhận bảo đảm, ảnh hưởng lớn đến quyền lợi của chủ nợ có bảo đảm của TCTD.

Liên quan đến vấn đề này, ông Phạm Toàn Vượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết, dù Nghị quyết 42/QH14 cho phép ưu tiên thanh toán nợ gốc của TCTD sau khi đấu giá tài sản bảo đảm, nhưng trong quá trình thực thi, các cơ quan lại có cách áp dụng khác nhau.

Điển hình là vụ việc Nhà máy Xi măng Thanh Liêm (Hà Nam) được bán đấu giá để xử lý nợ xấu tại Agribank với giá đấu thành công là hơn 500 tỷ đồng, trả chậm trong 20 năm. Ngay sau khi đấu giá thành công, cơ quan thuế yêu cầu phải nộp khoản thuế 40 tỷ đồng dù TCTD đã đưa ra rất nhiều hóa đơn tài chính chứng minh khoản nợ xấu cần xử lý là rất lớn và thực tế số tiền thu được sẽ về dần trong 20 năm.

Bình luận về câu chuyện này, ông Đỗ Giang Nam, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) giải thích: “Khi chuyển nhượng tài sản, các chủ thể tham gia có thể chịu một số loại thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân. Chẳng hạn, trước đây, doanh nghiệp hạch toán giá vốn tài sản là 100 tỷ đồng, nay bán được 200 tỷ đồng thì phát sinh thu nhập phải chịu thuế. Thực tế, doanh nghiệp lại đang nợ ngân hàng đến 300 tỷ đồng. Do đó, khi xử lý tài sản bảo đảm, cơ quan thuế bắt nộp thuế thu nhập nhưng thực tế doanh nghiệp có còn gì đâu, ngân hàng đấu giá tài sản của doanh nghiệp là để thu hồi nợ”.

Ông Nam cho biết, ngay cả khi Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế đã có hướng dẫn cách xử lý theo Nghị quyết 42 nhưng cách hiểu và vận dụng ở các cục thuế địa phương vẫn không thống nhất. 

Khó áp dụng thủ tục rút gọn, thiếu cơ sở thông tin

Bên cạnh vướng mắc nêu trên, ông Phạm Toàn Vượng cho biết, việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giải quyết tài sản bảo đảm đến nay vẫn còn hạn chế. Agribank hiện có gần 1 triệu khách hàng nợ xấu thường xuyên. Ngân hàng này đã xử lý khoảng 7.000 tranh chấp dân sự liên quan đến nợ xấu nhưng mới chuyển được 11 hồ sơ sang tòa án để thực hiện thủ tục rút gọn. Trong đó, chỉ có một số vụ việc đã thực hiện được, còn lại gần 10 vụ việc vẫn vướng và phải áp dụng thủ tục thông thường.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Du cho biết, đến nay, số lượng các vụ việc xử lý nợ xấu thông qua thủ tục rút gọn tại tòa án còn rất hạn chế. Cụ thể, mới ghi nhận 6 hồ sơ được tòa án thụ lý, điều này phần nào ảnh hưởng đến kết quả xử lý nợ xấu nói chung, cũng như hiệu quả của biện pháp này tại Nghị quyết 42.

“Bên cạnh đó, khi bên có nghĩa vụ trả nợ/chủ tài sản/bên bảo đảm không hợp tác, chống đối, rất dễ dẫn đến trường hợp cố tình tạo ra các tình tiết mới để đưa vụ án về thủ tục tố tụng thông thường, nhằm mục đích kéo dài thời gian giải quyết vụ việc”, ông Du phân tích thêm.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Văn Du, cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng tài sản bảo đảm vẫn chưa thông suốt. Theo đó, tòa án, cơ quan thi hành án dân sự hiện không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất để tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết. Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng biện pháp xử lý tài sản theo Nghị quyết 42.

“Do đó, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác phối hợp, hoàn thiện cơ sở pháp lý, cần thúc đẩy việc xây dựng cơ sở thông tin liên quan tài sản bảo đảm để quá trình xử lý nợ xấu đạt hiệu quả tích cực trong thời gian tới”, ông Du nhấn mạnh.

Chuyên đề