Xu hướng vay tiêu dùng

Dự báo tầng lớp trung lưu tại Việt Nam gia tăng sẽ tạo điều kiện cho kinh tế tiêu dùng tại Việt Nam phát triển mạnh. Đáng nói nguồn vốn rót cho tín dụng tiêu dùng hiện đang dồi dào từ các quỹ đầu tư, nhà đầu tư ngoại, các tổ chức tài chính với nhiều ứng dụng công nghệ phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Mạnh tay chi tiêu

Hiện nay sự cạnh tranh trên lĩnh vực tài chính tiêu dùng cá nhân không chỉ của NH và công ty tài chính, mà còn có sự tham gia của các Fintech (công ty công nghệ tài chính) với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ thông tin. Các sản phẩm tài chính của nhóm Fintech khá phong phú so với nhu cầu của người tiêu dùng với hạn mức theo nhu cầu, đặc biệt các thủ tục được thực hiện trực tuyến.
Trong thống kê nhỏ nhân ngày 8-3 của Công ty tài chính Home Credit, khách hàng nữ chiếm 39% tổng số khách hàng tại đây. Trong đó 84% khách hàng nữ vay tiền để mua điện thoại, kế đến là các mặt hàng gia dụng 12%. Dù chỉ là thống kê “bỏ túi”, nhưng cũng cho thấy nhu cầu tiêu dùng của nền kinh tế nói chung đang rất lớn. 

Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, cho biết cư dân thành thị với nhu cầu tiêu dùng cao, bình quân 1 người chi 160USD mua sắm trực tuyến là tiềm năng phát triển mới. Dự báo đến năm 2020, Việt Nam có khoảng 23 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu với các tiêu chí kết nối internet, thu nhập dư thừa, sẵn sàng chi tiêu, thích sản phẩm và dịch vụ cao cấp và muốn dẫn đầu xu hướng tiêu dùng.

Thực tế, cho vay tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây bởi nhu cầu của người dân ngày càng gia tăng. Theo số liệu của Ủy Ban Giám sát tài chính quốc gia, cho vay tiêu dùng cuối năm 2016 đạt 646.000 tỷ đồng, tăng 48% so với đầu năm, chiếm 13,1% tổng cho vay. 

Cho vay tiêu dùng tập trung vào phân khúc sửa chữa và mua nhà để ở (49,4%); mua đồ dùng, trang thiết bị gia đình (23,4%); mua phương tiện đi lại (10,4%). Các nghiên cứu dự báo đến  năm 2020 chỉ số tiêu dùng của người Việt Nam sẽ tăng 40% so với năm 2016.

Nhiều nhận định khác cũng cho thấy tín dụng tiêu dùng thực sự bùng nổ trong vài năm trở lại đây ở các công ty tài chính và NHTM. Ngoài những thương vụ mua lại công ty tài chính của các NHTM, mới đây nhất ACB được cho đang “để mắt” đến Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu điện (PTFinance). 

Vốn điều lệ của công ty tài chính này hiện là 500 tỷ đồng do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) nắm giữ 100%. Theo các chuyên gia, việc mua lại các công ty tài chính có thể giúp NH tham gia lĩnh vực cho vay tín chấp, dù rủi ro cao nhưng tỷ suất lợi nhuận cao hơn nhiều so với cho vay thông thường.

Thị trường Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hấp dẫn các nhà phát triển tín dụng tiêu dùng với lượng người trưởng thành sinh sống ở đô thị chiếm gần 20% tổng dân số sẽ là nguồn khách hàng tiềm năng sử dụng các dịch vụ tài chính. Con số này được dự kiến tiếp tục tăng theo quy mô đô thị hóa ở Việt Nam.

Nhân viên HD Saison tư vấn cho khách hàng vay tiêu dùng mua xe máy trả góp.

Cung vốn dồi dào

Đầu năm nay, Công ty Quản lý Quỹ Mekong (Mekong Capital) cho biết Quỹ Mekong Enterprise Fund III (MEF III) của họ đã hoàn thành gói đầu tư vào CTCP Đầu tư F88, chủ sở hữu hệ thống cầm đồ hiện có hệ thống cửa hàng trên toàn quốc. Không tiết lộ con số đầu tư cụ thể, nhưng theo đơn vị này khoảng 6-15 triệu USD, mức đầu tư thường thấy của MEF III. 

Quỹ này thường tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp chưa niêm yết thuộc các lĩnh vực bán lẻ, nhà hàng, sản phẩm tiêu dùng và dịch vụ tiêu dùng. F88 là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ cho vay thế chấp đa dạng các loại tài sản như ô tô, xe máy, điện thoại, laptop... Đây là hoạt động dịch vụ tiềm ẩn rủi ro, nhưng Mekong Capital vẫn nuôi ý định sẽ biến F88 thành một hệ thống cầm đồ chuyên nghiệp tầm cỡ.

Cho vay tiêu dùng là các khoản cho vay nhằm tài trợ cho nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình. Đây là nguồn tài chính quan trọng giúp trang trải nhu cầu tiêu dùng như nhà ở, đồ dùng gia đình, xe cộ, giáo dục, y tế, du lịch... Theo các chuyên gia, một thị trường tài chính tiêu dùng phát triển sẽ mang lại lợi ích cho các bên tham gia là người tiêu dùng, tổ chức tài chính và cả nền kinh tế. 

Hiện nay các công ty tài chính, hay những tổ chức tài chính hoạt động trong lĩnh vực tài chính cá nhân đang trở thành kênh chủ yếu tiếp cận khách hàng cá nhân. Cũng vì vậy các tổ chức này luôn cần nguồn vốn rất lớn nhưng vì không thể huy động như NH, nên cung vốn chủ yếu vẫn là các NH mẹ, nhà đầu tư nước ngoài muốn thâm nhập vào thị trường tài chính tiêu dùng Việt.

Số liệu của NHNN cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng tài sản có của nhóm công ty tài chính, cho thuê cuối năm 2016 tăng trưởng hơn 30% so với đầu năm, trong khi nhóm NHTMCP và NHTMCP vốn nhà nước chỉ 16,89%. Đáng chú ý hiện nay tổ chức nước ngoài đang chọn công ty tài chính là điểm rót vốn. Chẳng hạn, FE Credit hoàn tất thủ tục vay hợp vốn có thời hạn trị giá 100 triệu USD với Credit Suisse. 

Trước đó MB đồng ý chuyển nhượng 49% vốn góp tại MCredit cho Shinsei Bank (Nhật Bản), và Credit Saison Co., Ltd (Nhật Bản) cũng nhận mua 49% vốn điều lệ của HDFinance từ HDBank. Việc nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào công ty tài chính cho thấy sức hấp dẫn của thị trường tín dụng tiêu dùng trong nước. 

Theo dự báo, trong vòng 5 năm tới, cùng với sự phục hồi của nền kinh tế, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt trên 15% tổng dư nợ, tức tăng bình quân mỗi năm 20%. Dù lĩnh vực cho vay tiêu dùng tiềm ẩn nhiều rủi ro nhưng nguồn lợi mà nó mang về vẫn hấp dẫn nhà đầu tư. 

Chuyên đề